Tính từ đầu năm 2022 đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 305 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ tính riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu từ kỳ 2 tháng 5 ghi nhận sự tăng trưởng đột biến khi đạt 18,02 tỷ USD, tăng 40,9% so với kỳ 1 tháng 5/2022 và tập trung vào một số nhóm ngành chủ lực như máy tính, điện thoại, hàng dệt may, gỗ, nông, thủy hải sản…
Kết quả khả quan này, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, do các đơn đặt hàng xuất khẩu đang được nhiều nước đổ dồn về Việt Nam thời gian qua rất nhiều. Điều này cho thấy, các nước đã đánh giá rất tích cực tình hình sản xuất cũng như khả năng cung ứng hàng hóa xuất khẩu tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều DN trong nước không khỏi lo lắng khi cho rằng giá nguyên vật liệu, xăng dầu liên tục leo thang trong những tháng gần đây nên không “mạnh tay” nhận đơn hàng.
Hiện DN chỉ có thể nhận những đơn hàng mà đối tác chấp thuận điều khoản cho phép điều chỉnh linh hoạt giá bán trong trường hợp bất khả kháng, thị trường có những diễn biến bất lợi về giá như giá nguyên liệu, giá xăng dầu tăng. Trường hợp đối tác nhập khẩu không chấp nhận thì buộc phải từ chối. Bởi trên thực tế, đã có những đơn hàng mà DN vừa ký xong hôm nay thì hôm sau giá xăng điều chỉnh tăng. Trong trường hợp này, DN không thể điều chỉnh giá bán sản phẩm đã ký trong hợp đồng nên đành phải “lấy công làm lời”.
Trước thực tế nêu trên, nhiều DN cho rằng, Chính phủ cần thiết phải nhanh chóng kiểm soát đà tăng giá xăng dầu, làm cơ sở để kìm đà tăng giá nguồn nguyên liệu sản xuất trên thị trường.
PV