Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại thành phố Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, số liệu kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 phần nào cho thấy các doanh nghiệp của thành phố đã có sự thích ứng và có chiến lược phát triển phù hợp với từng diễn biến khác nhau của dịch bệnh.
Một trong những chiến lược đó là nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp thông qua chuyển đổi số. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã ứng dụng chuyển đổi số trong những năm gần đây. Nhờ đó, doanh nghiệp có thêm nội lực để trụ vững trong giai đoạn dịch bệnh. Khi cần thiết, doanh nghiệp có thể chuyển sang làm việc trực tuyến mà không vấp phải trở ngại đáng kể nào. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh cho biết, hiện công ty đã ứng dụng chuyển đổi số giúp tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh thông qua tự động hóa. Đặc biệt, hiệu quả rõ nét nhất trong dịch bệnh là công ty có thể cắt giảm lao động trong nhà máy, bảo đảm yêu cầu giãn cách; còn nhân viên khối văn phòng có thể làm việc trực tuyến tại nhà.
Các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng bứt phá sau đại dịch.( Ảnh minh họa)
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đầu tư máy móc, thay đổi công nghệ sản xuất để đáp ứng yêu cầu tự động hóa và nâng cao năng lực sản xuất. Theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH VITAJEAN (thành phố Hồ Chí Minh), mới đây, công ty đã đầu tư công nghệ tự động hóa kết nối trên nền tảng internet trong dây chuyền sản xuất và toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may. Công nghệ tự động hóa này đã thay thế vị trí của 800 công nhân. Nhờ vậy, doanh nghiệp đạt được hai yêu cầu là vừa tăng năng suất lao động, vừa bảo đảm giãn cách trong nhà máy để phòng, chống dịch.
Việc nhiều doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số, công nghệ, máy móc để gia tăng năng lực hoạt động khiến giá trị nhập khẩu 6 tháng đầu năm của thành phố tăng ở nhóm hàng công nghệ. Cụ thể, trong các nhóm hàng nhập khẩu trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch nhập khẩu, đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,6 tỷ USD, tăng 13% so cùng kỳ năm trước; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3,2%... Việc tăng nhập khẩu nhóm hàng này cho thấy nhiều doanh nghiệp thành phố muốn “gia cố” guồng máy sản xuất, sẵn sàng tâm thế bứt phá “hậu Covid-19”.
Bên cạnh điểm sáng về nhập khẩu, xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay của thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy kinh tế vẫn duy trì nhịp độ phát triển dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp thành phố xuất qua cảng thành phố (kể cả dầu thô) 6 tháng năm 2021 đạt hơn 20,34 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ vững “thành trì” sản xuất, kinh doanh, ngay cả trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh. Những năm qua và trong thời gian tới, thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của các doanh nghiệp thành phố vẫn là Trung Quốc (6 tháng đầu năm nay đạt kim ngạch hơn 4,59 tỷ USD, chiếm 22,6% tỷ trọng xuất khẩu). Đặc biệt, khi các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)... dần được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn, dự báo hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc. Trong đó, kỳ vọng lớn nhất là hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp thành phố sẽ tăng sự hiện diện ở thị trường “khó tính” châu Âu.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp chủ lực; duy trì và hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực truyền thống có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao. Qua đó, thành phố sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại, gia tăng tự động hóa; xúc tiến mở rộng thị trường nhằm giữ vững và tăng cường chuỗi sản xuất, xuất khẩu của thành phố.
Trọng Ngôn