Khi COVID-19 đang đặt gánh nặng nên nền kinh tế
Có những giai đoạn, số ca mắc COVID-19 trên thế giới gia tăng chóng mặt và khó kiểm soát. Con số này đang giảm dần nhờ nguồn cung vắc xin dồi dào hơn và việc chú trọng hơn về vệ sinh cá nhân đã trở thành thói quen hàng ngày. Về cơ bản, Corona cũng là một loại vi rút, vì vậy nếu mỗi cá nhân triệt để tuân thủ các biện pháp vệ sinh phòng chống dịch như khẩu trang, rửa tay và hạn chế ra đường, tập trung đông người khi không cần thiết thì khả năng lây nhiễm sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, các đại dịch phổ biến trong lịch sử trước đây như bệnh dịch hạch và bệnh cúm Tây Ban Nha đều phát triển trong 3-5 năm, nên dường như còn quá sớm để có thể yên tâm rằng dịch Covid đã ổn định dù vắc xin đang được phân phối nhanh chóng và việc đảm bảo vệ sinh phòng chống dịch đã được phổ biến và thực hiện rộng rãi.
Trong bối cảnh đại dịch, tiếp xúc không trực tiếp đã trở thành thói quen hàng ngày và cũng có rất nhiều thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bức tranh tương phản được thể hiện rõ nét qua từng ngành nghề. Du lịch, lưu trú và các công ty thực phẩm và đồ uống vốn duy trì hoạt động bằng cách tập trung đông người, nay đã phải đối mặt với một tình huống hết sức khó khăn. Trong khi đó, các công ty liên quan đến kỹ thuật số như thương mại điện tử, giao hàng và fintech lại đang ghi nhận mức tăng trưởng chưa từng có. Đây là vấn đề chung trên toàn thế giới, và trong ngành công nghiệp kỹ thuật số, thứ hạng của các công ty đã có sự thay đổi. Ngay cả ở Hàn Quốc, mặc dù có hệ thống kiểm soát dịch bệnh tốt, số ca nhiễm Covid được ghi nhận vẫn tiếp tục tăng cũng khiến chính phủ phải linh hoạt liên tục. Nhiều người tự kinh doanh đã bị đẩy đến giới hạn do các lệnh giãn cách xã hội và mặc dù đã được nới lỏng, nhưng dường như rất khó để ngăn chặn sự lây nhiễm trong lúc này. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong chỉ ở mức 0,78%, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 2%, và hầu hết đều là người già, người cao tuổi hoặc những người có bệnh lý nền.
Vi rút corona có thể được kiểm soát nhờ các biện pháp phong tỏa, nhưng nền kinh tế lại gặp nhiều khó khăn. Sẽ phải lựa chọn giữa phòng dịch và phát triển kinh tế, đồng thời cần gấp rút có hướng phục hồi kinh tế. Đây cũng là một xu hướng toàn cầu và ngay từ đầu, sự gia tăng các ca nhiễm là không thể tránh khỏi, nhưng mục tiêu hiện tại chính là giảm tỷ lệ tử vong, phân phối vắc xin đều đặn và sống chung với Covid.
Vi rút Corona gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ do sản lượng giảm vì các lệnh phong tỏa, bên cạnh đó, gánh nặng chi phí chịu tác động lớn nhất do giá nguyên liệu thô tăng và chi phí logistic tăng vọt trên toàn thế giới. Ngoài ra, chi phí nhân công cũng đang tăng cao do khan hiếm nhân lực và chi phí lãi vay ngày càng tăng do lãi suất tăng. Và chi phí năng lượng cũng trở thành gánh nặng do giá dầu quốc tế tăng mạnh từ 20 USD/thùng lên hơn 80 USD/thùng. Giá thành sản phẩm được phản ánh trong giá tiêu dùng, do đó, chi phí sinh hoạt đang tăng lên đáng kể làm dấy lên lo ngại về vấn đề lạm phát. Nhằm hỗ trợ những người có thu nhập bị ảnh hưởng bởi Covid và phục hồi kinh tế địa phương, các gói hỗ trợ cũng đã được đưa ra nhanh chóng.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt kịp xu thế cách mạng 4.0
Người ta nói rằng dù giá bất động sản đã tăng gấp đôi so với năm trước mà vẫn không có để bán. Việc gia tăng các chi phí xã hội và dòng tiền chảy vào các lĩnh vực kém hiệu quả chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến dòng vốn dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong số các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc, các công ty trong các ngành như công nghiệp máy móc và lắp ráp kim loại, cũng phải đối mặt với tình cảnh khó khăn do nhiều nhân tố ảnh hưởng. Thị trường thì đang xấu đi nhanh chóng do cạnh tranh về giá từ Trung Quốc và gánh nặng chi phí ngày càng tăng do giá nguyên liệu thô và chi phí logistic tăng. Trong nội bộ doanh nghiệp, sự thiếu hụt lao động và tiếng nói ngày càng tăng của cộng đồng người lao động yêu cầu được đối xử tốt hơn trong việc thúc đẩy tự động hóa kỹ thuật số. Hầu hết các doanh nghiệp này đều được thành lập trong quá trình hiện đại hóa trong những năm 1960 hoặc là những người đóng vai trò chính trong sự tăng trưởng của những năm 70 và 80. Hầu hết những người sáng lập, đã hoặc đang cân nhắc nghỉ hưu ở độ tuổi 70-80, họ có vẻ khó thành công trong công việc kinh doanh gia đình do triển vọng không sáng sủa của ngành. Đối với những doanh nghiệp này, họ nên cải tiến theo Cách mạng công nghiệp 4.0. Một giải pháp tối ưu có thể cải thiện lợi nhuận chỉ với chi phí thấp có thể kể đến như dữ liệu hóa, phân tích các quy trình làm việc và các nhiệm vụ quản lý như MES (hệ thống máy tính – phần mềm được sử dụng trong nhà máy, dùng để theo dõi, giám sát và lưu trữ thông tin từ vật tư đầu vào thành sản phẩm đầu ra) và ERP (phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, hệ thống này cho phép tiếp cận các dữ liệu nội bộ được chia sẻ nhằm quản lý được toàn bộ hoạt động của công ty). Chính phủ Hàn Quốc đang chi nhiều tiền để hỗ trợ quá trình cải tiến này của các nhà máy. Khoảng 70.000 DN được cho là đã nhận được khoản hỗ trợ kinh doanh đầu tiên. Tuy nhiên, kết quả cải tiến vẫn không đáng kể vì đổi mới tự động hóa thông minh không phải được thực hiện từ bên ngoài, mà phải từ bên trong với sự hỗ trợ bên ngoài. Do đó, nhiều công ty hiện đang nhận được hỗ trợ cho dự án nâng cấp giai đoạn hai, tuy nhiên điều này cũng còn hạn chế ở các loại hình do Chính phủ quy định. Chỉ khi các quy trình kinh doanh được dữ liệu hóa và tối ưu hóa, thì khả năng cạnh tranh mới tăng lên.
Đối với những công ty như vậy, khuyến nghị lúc này là họ cần phải tiến ra nước ngoài, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ với 65% trong tổng số 98 triệu dân dưới 35 tuổi. Quốc gia này cũng có khả năng số hóa cao do Internet và thiết bị di động được sử dụng rộng rãi và tốc độ số hóa nhanh nhất thế giới. Chính Phủ cũng điều hành kinh tế thành công với tốc độ tăng GDP hàng năm ổn định ở mức trên 6%, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường nội địa cũng được kỳ vọng sẽ phát triển bùng nổ khi những người ở độ tuổi 20, nhóm tuổi chiếm tỷ lệ lớn nhất, trở thành người tiêu dùng chính trong 10 năm tới. Chính vì thế hai bên có thể tăng cường hơn nữa các hoạt động kết nối kinh doanh, góp phần duy trì và thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật từ Hàn Quốc trong các ngành công nghiệp nói chung tại Việt Nam, từ đó tạo năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Bloomberg, dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc lo ngại về sự phụ thuộc quá lớn vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Chính vì thế, chính phủ nước này đang cố gắng hỗ trợ cho doanh nghiệp về nước nhưng lại đang gặp phải nhiều thách thức. Theo thống kê của Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, chỉ có khoảng 80 trên tổng số hàng nghìn công ty có liên kết với Trung Quốc thông báo sẽ đưa dây chuyền sản xuất về nước. Kể cả sau khi chính phủ Hàn Quốc mở rộng chính sách trợ cấp quay về với các ngành dịch vụ và IT đầu năm nay, sức hấp dẫn cũng có vẻ không tăng là bao. Điều này có nghĩa Hàn Quốc đang bỏ lỡ cơ hội mang việc làm về nước, củng cố chuỗi cung ứng trong đại dịch và duy trì lợi thế cạnh tranh về sản xuất. Thay vào đó, thống kê cho thấy, các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm cách chuyển nhà máy tới Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
TS. Joseph YG Lee (Bảo Bảo biên dịch)