Doanh nghiệp gian nan đưa hàng hóa vào siêu thị

16:35 10/04/2021

Dù rất nỗ lực nhưng đến nay con đường đưa hàng hóa vào siêu thị của nhiều doanh nghiệp vẫn không hề đơn giản.

Theo các chuyên gia, hàng hóa Việt Nam nếu đưa được vào chuỗi siêu thị bán lẻ, không chỉ có lợi ích về độ nhận diện thương hiệu mà còn giúp doanh nghiệp nắm bắt tốt nhu cầu của người tiêu dùng, học được cách quản lý chất lượng. Để làm được điều này, các doanh nghiệp buộc phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các nhà bán lẻ, nhất là trong giai đoạn mới sau dịch COVID-19. 

  Doanh nghiệp gian nan  đưa hàng hóa vào siêu thị.

Chủ động nắm bắt thời cơ, nhiều doanh nghiệp đã cùng các chuỗi siêu thị lớn tham gia các chương trình liên kết. Mới đây nhất, AEON Việt Nam đã tổ chức khóa đào tạo “Nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc và kiểm nghiệm sản phẩm"; hệ thống của Central Retail (chuỗi siêu thị GO! và Tops Market) cũng thường xuyên tổ chức các khóa học về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa vào siêu thị...

Thông qua các chương trình, doanh nghiệp, nhà cung cấp sẽ hiểu được các tiêu chuẩn, áp dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của siêu thị nói chung và của siêu thị mình nói riêng, nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm, mang sản phẩm an toàn, an tâm đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị. Tuy nhiên, để doanh nghiệp đưa được hàng hóa Việt vào siêu thị vẫn không phải chuyện dễ dàng.

Bà Đỗ Kim Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã (HTX) Kim Thông chia sẻ, HTX mong muốn đưa sản phẩm hạt Sachi sạch vào hệ thống phân phối của siêu thị lớn để phát triển thị trường trong nước. Tuy nhiên, chi phí sản xuất cao, giá thành vận chuyển lớn nhưng có đối tác siêu thị yêu cầu lên tới 40% nên rất khó thỏa thuận. Vì vậy, sản phẩm mới chỉ có mặt tại các siêu thị nhỏ, các cửa hàng thực phẩm sạch... một số đơn vị lớn đặt số lượng lớn để tặng đối tác và xuất khẩu.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu thị, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội chỉ ra rằng, đối với các sản xuất sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, một số siêu thị ngoài chiết khấu 35% còn còn thực hiện thanh toán chậm 3 tháng với bà con nông dân. Hay như một lô miến vào siêu thị phải mất tới 20 triệu đồng phí tạo mã và tới tận 3 tháng sau siêu thị vẫn chưa nhập hàng, kèm theo nhiều yêu cầu, thủ tục khác phải đáp ứng.

Dưới góc nhìn của nhà bán lẻ, ông Ma Jung Uk, Giám đốc Lotte Mart tại Hà Nội đánh giá cao chất lượng hàng Việt đưa vào siêu thị tiêu thụ. Năm 2020, siêu thị đã có 1.600 tấn chuối Việt Nam vào hệ thống Lotte Mart ở Hàn Quốc tiêu thụ. Thế nhưng khó khăn nhất để tiếp tục duy trì trong năm 2021 là khả năng cung cấp hàng liên tục của công ty Việt, chủ yếu theo mùa vụ, không đảm bảo nguồn cung dài hạn, số lượng lớn.

Bên cạnh đó, đại diện một chuỗi siêu thị lớn trong nước chia sẻ thêm, doanh nghiệp đưa hàng vào siêu thị thường gặp các vấn đề về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, do sự không thường xuyên cập nhật quy định cơ quan nhà nước, tiếp theo là chưa nắm được tiêu chuẩn hàng hóa của từng siêu thị. Hơn nữa, năng lực sản xuất hàng hóa của nhiều doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế.

Chia sẻ kinh nghiệm đưa hàng hóa Việt vào siêu thị lớn, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Mỹ nghệ Thăng Long cho biết, mỗi mặt hàng khi bước chân vào hệ thống bán lẻ hiện đại đều phải đáp ứng những tiêu chí cụ thể, cần phải chứng minh được rõ nguồn gốc, xuất xứ, có bao bì rõ ràng của sản phẩm đó. Đồng thời doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật tiêu chí để đưa ra những sản phẩm phù hợp với yêu cầu.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, sản phẩm muốn "chiếm lĩnh" các siêu thị thì chất lượng phải đi tiên phong. Bởi, sự yếu kém ở khâu sản xuất là một trong những lý do khiến cho lượng hàng nông sản sạch vào siêu thị còn khiêm tốn. Đồng thời phải gắn kết với khâu bán lẻ thành chuỗi, bớt những khâu trung gian, thương lái. Đặc biệt, phải luật hóa việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất và phân phối ở Việt Nam, mà trước hết ưu tiên cho người sản xuất.

P.V