Doanh nghiệp FDI "mở hàng" nhiều dự án mới

11:56 06/02/2023

Ngay từ đầu năm, các lĩnh vực có thế mạnh như bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy... đã thu hút khá mạnh các nhà đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đăng ký mới cho các lĩnh vực này đã đạt con số 651,9 triệu USD, chiếm tỉ lệ 54,1%. Vốn FDI cả nước thực hiện trong tháng 1-2023 ước đạt 1,35 tỉ USD.

 

Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Ảnh CANDO
Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Nguồn ảnh CANDO.

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết: "Tôi đánh giá thị trường sản xuất thiết bị chất bán dẫn ở Việt Nam sẽ rất sôi động trong năm 2023. Năm 2023, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm bán dẫn nguồn mà thế giới cần được sản xuất ở Việt Nam và cung cấp ra thị trường thế giới.

Tôi cũng dẫn chứng một bài báo của Pháp nói về Việt Nam là: Hãy tìm đến Việt Nam để đầu tư vào gia công số và phần mềm. Họ nhấn mạnh Việt Nam đủ điều kiện để chuyển đổi số và hạ tầng".

Tại Nghị quyết 01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn FDI chất lượng cao, nhất là FDI vào ngành bán dẫn. Bên cạnh đó, tăng cường kết nối, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, hỗ trợ hiệu quả DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN, dự án FDI.

Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ các chính sách về thu hút vốn FDI, Bộ KH-ĐT đã trình Thủ tướng ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong thu hút, sử dụng vốn FDI. Đồng thời, chú trọng thu hút những dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong bối cảnh mới với yêu cầu thu hút vốn FDI chất lượng cao, hướng đến phát triển xanh, bền vững, chúng ta cần xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế để tạo động lực phát triển, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, tin cậy. 

Ngoài ra, cũng cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khu vực DN trong nước đủ thực lực để liên doanh, liên kết với khu vực FDI.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tuy mới là tháng đầu năm, song dựa trên tiềm năng về thị trường và các dự án đã ký biên bản ghi nhớ (MOU), nhiều khả năng trong năm 2023, Việt Nam có thể thu hút 36-38 tỷ USD vốn đầu tư FDI, tăng khoảng 30-37% so với năm 2022. Hiện các tập đoàn lớn như Goertek và Luxshare (2 nhà cung cấp chính của Apple) đã rót thêm lần lượt 400 triệu USD và 306 triệu USD để mở rộng sản xuất thiết bị điện tử đa phương tiện tại Việt Nam. 

Theo ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, để cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam phải nhanh chân hơn trong việc cải cách thủ tục đầu tư, hoàn thiện kết nối hạ tầng và cải cách triệt để các vướng mắc bất cập trong chính sách thuế. Đơn cử như chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (dự kiến được thực thi trong năm 2023), sẽ tác động lớn đến hoạt động thu hút FDI của Việt Nam. “Nhiều quốc gia đã có sự chuẩn bị trong việc rà soát quy định luật pháp, thậm chí sửa đổi các biện pháp thu hút FDI khác thay thế cho các ưu đãi thuế. 

Ảnh minh họa
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho hay địa phương sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thu hút có chọn lọc dòng vốn FDI chất lượng cao. "Năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã bứt phá vào tốp 5 toàn quốc về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài" - ông Lê Duy Thành nói. 

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, thời gian tới, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam rất đa dạng, tập trung vào sản xuất chế biến, chế tạo. Đây là xu hướng các tập đoàn đang muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam cũng là điểm đến các tập đoàn đầu tư của châu Âu đang cân nhắc trong khu vực châu Á. Cùng với đó là xu hướng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng về năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi.

Thanh Hương (t/h)