Doanh nghiệp cần thêm động lực để phục hồi đà tăng trưởng

14:06 20/06/2021

Ngoài những biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, cần có nhiều chính sách và biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để đưa hoạt động sản xuất, thương mại phục hồi trở lại sau làn sóng dịch bệnh.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, kể cả doanh nghiệp quy mô lớn, phản ánh sức chống chịu của doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy: Năm tháng đầu năm nay, có 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, “sức khoẻ” của doanh nghiệp thực tế còn nghiêm trọng hơn theo báo cáo, nên cần có giải pháp mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có khoanh nợ. “Khoanh để doanh nghiệp ‘quên’ số nợ tạm thời, xoay sở, phát triển, sau đó quay lại trả nợ. Cần giải pháp mạnh như hồi sức cấp cứu”, ông Bùi Quang Tuấn kiến nghị. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Hoa Cương cho rằng: Chính sách hỗ trợ riêng doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19 hiện chưa hợp lý, bởi mới hỗ trợ người lao động, chưa hỗ trợ chủ lao động, trong khi đây mới là lực lượng tạo giá trị gia tăng, công ăn việc làm và là lực lượng chủ yếu nộp thuế. 

  Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp tại nhà máy của Công ty CP xuất nhập khẩu nông sản An Giang.

Khác với 3 đợt dịch COVID-19 trước, đợt dịch lần này có nhiều tác động rất mạnh tới nền kinh tế. “Thứ nhất, làn sóng thứ 4 đã gây đảo lộn sản xuất tại một số khu công nghiệp - KCN ở Bắc Giang và Bắc Ninh; thứ hai, sản lượng công nghiệp giảm do ngừng hoặc thu hẹp sản xuất của một số doanh nghiệp lớn; thứ ba, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sản phẩm chế tác có thể giảm và nhập siêu có thể quay trở lại thời gian tới”, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM chia sẻ. Trong điều kiện chi phí nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp tăng mạnh, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu và thích nghi với bối cảnh mới như: Tập trung hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; không ban hành các chính sách làm tăng chi phí, thêm gánh nặng cho doanh nghiệp; đặc biệt hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, công nhân, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đợt dịch bùng phát lần thứ 4.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021, tăng trưởng 6 tháng cuối năm của nước ta đều phải trên mốc 7%. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp và nguồn cung vaccine vẫn hạn chế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý 1/2021 (tăng 5,92%). “Kinh tế Việt Nam đã trải qua những tháng đầu năm tương đối lạc quan. Xuất khẩu tăng trưởng so với cùng kỳ, ngoại thương duy trì được sự tăng trưởng, công ăn việc làm được phục hồi, GDP tiếp tục tăng trưởng. 

Thế nhưng từ nay đến cuối năm tình hình sẽ đi về đâu là điều rất khó lường. Chúng ta vẫn có thế mạnh trong xuất khẩu. Nhiều thị trường trên thế giới đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh nhưng rất nhiều nhu cầu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, tiêu dùng vẫn cao, mà chúng ta mạnh về nông sản, tiêu dùng, điện tử… cần tiếp tục phát triển trong những tháng tới. Tuy nhiên, phải kiểm soát được dịch bệnh thì mới phát triển được”, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế khẳng định. Trước những khó khăn của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các cấp kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tích cực chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những lĩnh vực cần sự công khai minh bạch.

Trung Hiếu