Doanh nghiệp An Giang chạy đua với xu hướng mua sắm qua mạng thời COVID-19

15:35 09/12/2021

Đó là phát biểu của Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu. Theo ông Hiếu, thời gian này do dịch COVID-19 kéo dài nhiều DN của tỉnh đang tích cực thay đổi phương thức và nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh góp phần đưa DN hội nhập với xu hướng chung của thế giới.

Buộc phải sáng tạo, phản ứng nhanh hơn để thích ứng 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng đến hoạt động giao thương của các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, trong đó có An Giang. Vì vậy, việc chuyển các hoạt động thương mại từ phương thức truyền thống sang thương mại điện tử thông qua các nền tảng kỹ thuật số, các sàn thương mại điện tử là xu hướng tất yếu.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với thương mại điện tử.

Thương mại điện tử không còn là khái niệm xa lạ và mới mẻ tại Việt Nam. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và kéo dài đã tác động rất lớn đến nền kinh tế nhưng thương mại điện tử lại có cơ hội phát triển. Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng trong nước. Ngành thương mại điện tử ở Việt Nam được dự báo sẽ phát triển nhanh do thay đổi xu hướng mua sắm trong bộ phận người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ.

Thực tế chứng minh, mô hình kinh doanh trực tuyến (online) mang lại nhiều ưu thế cho DN hơn trong mùa dịch. Có tới 24,1% các nhà bán lẻ đa kênh trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, website ghi nhận sự tăng trưởng trong và sau dịch bệnh. Qua đó cho thấy, DN cả nước nói chung và DN An Giang nói riêng buộc phải sáng tạo, phản ứng nhanh hơn để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới của người dân.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu cho biết, nhiều DN thay đổi phương thức và nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh. Từ đó, góp phần đưa DN hội nhập với xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, việc ứng dụng thương mại điện tử đang đối mặt với nhiều rào cản. Đa phần DN An Giang là các DN vừa và nhỏ. Trình độ ứng dụng thương mại điện tử của các DN chưa thực sự đồng đều. Ngoài ra, các ứng dụng giao dịch mua bán trực tuyến, quản lý thông tin khách hàng, đơn đặt hàng bằng cơ sở dữ liệu tự động trên mạng... chiếm tỷ lệ thấp, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa. 

 Nhân viên siêu thị Tứ Sơn soạn hàng giao cho khách đặt qua điện thoại và mạng xã hội Zalo. Ảnh: Hạnh Châu

Trang bị kiến thức thương mại điện tử

Thời gian qua, các sở, ban, ngành đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các DN tiếp cận, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh. Gần đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Liên minh Chuyển đổi số DTS và IM GROUP - Hệ thống Học viện kinh doanh số tổ chức “Chuỗi tập huấn kiến thức tổng quan và nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho DN An Giang”. Đây là các đơn vị có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số hiện nay.

Thông qua tập huấn, đại diện các DN sẽ được trang bị thêm kiến thức về thương mại điện tử, như: Tổng quan về thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2021; cách xây dựng website đơn giản trong 30 giây; hướng dẫn lựa chọn sàn thương mại điện tử phù hợp với DN; tổng quan về Zalo, cách khai thác người quan tâm trên Zalo Official Account (Zalo OA) giúp quảng cáo hiệu quả. “Trung tâm mong muốn thông qua chuỗi tập huấn đào tạo nâng cao kỹ năng này sẽ góp phần hỗ trợ các DN trong việc nỗ lực tự thân, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy, nhanh chóng hòa nhập với nền kinh tế số đang bùng nổ hiện nay” - ông Hiếu chia sẻ.

Với các nội dung trên, các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử đã khái quát thực trạng phát triển thương mại điện tử Việt Nam cùng xu hướng phát triển; vấn đề quản lý nhà nước, thách thức đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử thời kỳ hậu COVID-19. Bên cạnh đó, còn hướng dẫn các DN quy trình đăng ký, thông báo website thương mại điện tử; quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm trong thương mại điện tử... Đồng thời, hướng dẫn các DN, hợp tác xã, các hộ kinh doanh cách thức phát triển hoạt động kinh doanh và marketing trên mạng xã hội; kỹ năng bán hàng, phát triển kinh doanh qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo...

Ngoài hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh sẽ đề xuất UBND tỉnh triển khai nội dung hỗ trợ DN truyền thông quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội; hỗ trợ DN tư vấn thay đổi thiết kế bao bì nhãn mác phù hợp với môi trường kinh doanh trực tuyến...

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, ngoài hỗ trợ của ngành chức năng, các DN cần tự trang bị, ứng dụng thêm phương tiện, các phần mềm tiện ích về thương mại điện tử; cách thức quảng bá, xây dựng hình ảnh; chăm sóc khách hàng và những dịch vụ hậu mãi để phát triển bền vững.

 Mỹ Dung/ Tổng hợp