Đề xuất cấp room tín dụng dựa vào hệ số an toàn vốn

17:01 12/09/2021

Vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) đã nêu đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét thay việc quản lý bằng biện pháp hành chính là cấp hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng bằng việc quản lý hệ số an toàn vốn (CAR), vừa đảm bảo an toàn, vừa phù hợp với chuẩn Basel II và thông lệ quốc tế.

Trong văn bản trả lời, Thống đốc NHNN cho biết, hằng năm, NHNN xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho cả năm; đồng thời, có điều chỉnh phù hợp với nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, bảo đảm cung cấp đủ và kịp thời vốn cho phát triển kinh tế nhưng cũng thận trọng với rủi ro lạm phát và rủi ro nợ xấu phát sinh.

Theo đó, NHNN đã thực hiện đồng nhiều các giải pháp, bao gồm: Thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (TCTD) trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD; đảm bảo nguyên tắc tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng và duy trì các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động.

Về biện pháp kiểm toán tín dụng, Thống đốc NHNN nhận định, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thị trường vốn, thị trường chứng khoán có vai trò chủ đạo cung cấp vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, do thị trường vốn, thị trường chứng khoán còn chưa phát triển hết vai trò, vị thế của mình, nên việc cân đối vốn cho nền kinh tế (đặc biệt là vốn trung dài hạn) vẫn dựa nhiều vào vốn ngân hàng, từ đó luôn tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng (huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn), kéo theo sức ép và rủi ro lên hệ thống TCTD.

NHNN cho rằng, tăng trưởng tín dụng quá cao tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Internet
NHNN cho rằng, tăng trưởng tín dụng quá cao tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Internet.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tín dụng/GDP vẫn của Việt Nam hiện vẫn ở mức khá cao và có xu hướng tăng với mức 146% vào cuối năm 2020, quy mô tín dụng đã rất lớn lên tới trên 9,8 triệu tỷ đồng.

Do đó, NHNN nhận định, tăng trưởng tín dụng quá cao không chỉ tiềm ẩn rủi ro bất ổn vĩ mô chung cho nền kinh tế mà còn gia tăng rủi ro đối với từng TCTD, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng.

Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn hệ thống, kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, thời gian qua, NHNN kiên định kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng theo hướng đưa ra chỉ tiêu tín dụng định hướng đầu năm và thông báo cho từng TCTD.

Việc thông báo hạn mức tín dụng đầu năm và điều chỉnh (khi cần thiết) đối với các TCTD được thực hiện theo nguyên tắc, TCTD có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được NHNN xem xét phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, qua đó, thúc đẩy TCTD nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động và các chỉ số an toàn hoạt động.

Bên cạnh đó, NHNN cũng xem xét một số yếu tố như mặt bằng lãi suất huy động, cho vay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và việc thực hiện theo chuẩn mực Basel II, đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và NHNN về tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Đối với đề xuất sử dụng việc quản lý hệ số an toàn vốn thay việc quản lý room tín dụng, Thống đốc NHNN cho biết sẽ ghi nhận và giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, đánh giá tác động và khả năng áp dụng, đảm bảo việc điều hành tín dụng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vẫn giữ vững an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại.

Theo TCHQ