Từ phải sang: Nhà thơ Chử Thu Hằng, GS. Nguyễn Lân Dũng, Đạo diễn Long Vân và tác giả bài viết
Thù lao làm phim “Biệt động Sài Gòn” được một đôi …giày đinh!
Gần bảy tiếng đồng hồ, Đạo diễn Long Vân say sưa kể cho chúng tôi nghe chuyện ông làm phim rồi ông bật khóc. Hình ảnh một ông già 80 tuổi đưa bàn tay quệt nước mắt như đứa trẻ khiến tôi ái ngại.
Phim của ông đa số làm theo đơn đặt hàng. Tôi hỏi ông, liệu làm phim theo đơn đặt hàng có ảnh hưởng tới tự do sáng tạo của ông không? Ông khẳng định, không hề! Ông hoàn toàn tự do sáng tạo, không chịu sự áp đặt của bất cứ ai. Ai đó cho rằng, làm nghệ thuật theo đơn đặt hàng là làm theo ý đồ của người khác, chịu sự sắp đặt của người khác, mất tự do sáng tạo nghệ thuật. Ông cho rằng, quan điểm này chưa đúng. Theo ông, dù phim đặt hàng hay không đặt hàng, điều quan trọng hàng đầu là người nghệ sỹ phải phải bám theo hiện thực của đời sống để chọn lọc, xây dựng hình tượng nghệ thuật, tái hiện cuộc sống vào phim. Các nhân vật trong phim của ông hầu hết là những nhân vật có thật. Không có những nguyên mẫu, không có chất liệu từ cuộc sống, ông không làm phim được.
Làm đạo diễn những bộ phim theo đơn đặt hàng với kinh phí đầu tư rất lớn, nhưng thù lao dành cho ông không đáng là bao. Phim “Biệt động Sài Gòn”, 4 tập, làm trong 4 năm, ông được nhận thù lao là…đôi giày đinh! Phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” làm trong 2 năm, ông (Long Vân), Nhà văn Sơn Tùng (tác giả kịch bản), Nhà quay phim Nguyễn Quang Tuấn tình nguyện không nhận thù lao. Phim “Giải phóng Sài Gòn” làm trong 15 năm, thù lao được 45 triệu đồng; trong thời gian đó bị một trận ốm nặng, suýt chết…
Con gái ông - diễn viên nhí Vân Dung trong phim “Biệt động Sài Gòn” - nay trở thành bà chủ doanh nghiệp thành đạt luôn can ngăn ông không nên làm phim nữa. Cô sẽ chu cấp cho ông bà mọi điều kiện để vui cảnh già. Nhưng ông vẫn rong ruổi theo đoàn làm phim…
… Gần bảy giờ đồng hồ, ông chỉ kể chuyện ông làm phim, tuyệt nhiên không đề cao giá trị những bộ phim do ông đạo diễn hay những chuyện lùm xùm, ngoài điện ảnh. Chúng tôi lược ghi từ băng ghi âm buổi nói chuyện trên và bổ sung một số tư liệu khai thác từ các báo.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đặt tên cho phim “Biệt động Sài Gòn”
“Biệt động Sài Gòn” (BĐSG) là bộ phim màu đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam, công chiếu năm 1985. Có lẽ, trong lịch sử ngành Điện ảnh Việt Nam chưa có phim nào ăn khách như BĐSG. Đến nỗi, trước đây, có nơi khán giả chen nhau mua vé xem phim làm đổ tường, gây chết người. Ông kể, ngày ấy, sau khi xem các phim do ông đạo diễn, Thiếu tướng Trần Hải Phụng, nguyên là Tư lệnh Biệt động Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Biệt động thành rất thích bèn gợi ý cho ông làm bộ phim về biệt động Sài Gòn. Đạo diễn Long Vân vui mừng nhận lời với điều kiện cho ông và những người cộng sự được gặp những mặt những nguyên mẫu. Đó là những chiến sỹ biệt động khét tiếng một thời với những chiến công oanh liệt Tư Chu (vai Tư Chung trên phim), Bảy Bê (vai Sáu Tâm), Năm Nè (vai K9)...Qua lời kể của các nguyên mẫu, các nhà làm phim đã chọn lọc, sáng tạo, xây dựng hình tượng chiến sỹ biệt động. Chẳng hạn, cảnh Sáu Tâm ném khẩu súng vào nồi nước dùng của cô bán hủ tiếu và được cô này che dấu, sau đó họ yêu nhau. Cảnh này ngoài đời không có thật nhưng mối tình của họ là có thật. Bảy Bê từng nói với Đạo diễn Long Vân rằng: “Nơi nuôi giấu biệt động an toàn nhất là trong… người phụ nữ”! Đây là chất liệu sống để ông tạo tình huống trên, nhằm nâng cao phẩm chất của người chiến sỹ biệt động.
Ông tiếp, ban đầu bộ phim mang tên là “Thiên thần ra trận”. Nghe tên phim, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (khi ấy là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh) tỏ ý không bằng lòng, gặp đoàn làm phim nêu ý kiến: “Sao không đặt tên phim là Biệt động Sài Gòn cho đúng với thực tế đã diễn ra mà lại là Thiên thần ra trận? Thiên thần làm sao lập được chiến công như những chiến sĩ biệt động?”. Đúng là như vậy! - Đạo diễn Long Vân khẳng định. Không gì hay hơn, đúng hơn là sự thật. Bởi vậy, làm xong tập1, đạo diễn Long Vân quyết định đặt lại tên phim là “Biệt động sài Gòn” như ý kiến của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Một nhân vật trong phim không có thật ngoài đời và cũng không có trong kịch bản, đó là vai em bé bán báo. Ông giải thích, thêm nhân vật này để nói rằng, trong tổ chức của biệt động Sài Gòn có đủ các tầng lớp. Người vào vai này là Vân Dung - con gái duy nhất của vợ chồng ông. Vân Dung từng đóng phim “Người đôi bờ” lúc 18 tháng tuổi, rồi “Mẹ vắng nhà”, “Vào đời”, “Cho cả ngày mai”... Vân Dung vào vai em bé bán báo khi 15 tuổi. Dù là nhân vật hư cấu nhưng ông cho thực hiện những cảnh quay như thật, hết sức… thô bạo. Đó là cảnh quay Vân Dung bị địch bắt tra tấn bỏ vào thùng rắn độc. Khi thực hiện cảnh tra tấn bằng rắn, Vân Dung yêu cầu bố (đạo diễn) làm thế nào để những con rắn đừng thè lưỡi. Nhưng ông lại cần quay rắn thè lưỡi thì mới gây sợ hãi. Ông thuê khoảng hai chục con rắn khỏe của một nhà hàng chuyên bán rắn, thuê luôn cả nhân viên cửa hàng rắn đóng người tra tấn để anh ta điều khiển chúng. Những con rắn này bị nhổ hết rang, không còn nọc, bị cột đuôi lại nhưng ông không cho con gái biết để Vân Dung kinh hoàng, khóc thét… Kể lại chuyện này, người cha - Đạo diễn Long Vân lại rung rung vì thương con gái.
Khi thực hiện cảnh quay Huyền Trang bị tra tấn, đoàn làm phim phải tham khảo nhiều tư liệu, rồi nghe những người đi tù ở Côn Đảo kể lại mới sáng tạo ra cảnh đó. Những kẹp trên đầu là kẹp sắt giấy, cho nhiều dây dợ chằng lên, dùng đúng mô tơ điện ở trong nhà tù để làm cho khán giả sợ hãi. Cảnh Sáu Tâm nhảy cầu, địch bắn súng theo anh. Ở dưới sông có giăng thuốc nổ, mỗi lần nhảy xuống là có người giật giây cho thuốc nổ bắn tung nước lên thể hiện đạn của địch. Thực hiện cảnh này rất nguy hiểm vì nếu nhảy đúng vào vùng giăng thuốc nổ là bị thương.
Đi tìm con voi biết…khóc!
“Hẹn gặp lại Sài Gòn” là bộ phim đầu tiên đưa hình tượng Bác Hồ thời trẻ lên màn ảnh. Bộ phim do Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đặt hàng; ông Vũ Kỳ, Thư kí cho Bác Hồ được mời làm cố vấn chính trị cho phim. Phim khởi quay năm 1987, trong điều kiện cực kỳ khó khăn về kinh phí. Bản gốc của phim gửi in tráng ở Thái Lan không lấy về được do thiếu tiền. Phim chỉ in ra được 5 bản (trong đó có một bản do Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho nhân dân Ấn Độ nhân dịp đất nước này kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác Hồ) còn 4 bản chiếu trong nước.
Dù thiếu kinh phí nhưng những nhà làm phim không thể làm cẩu thả được. Ông kể, khi thực hiện đại cảnh vua Thành Thái trước viên Toàn quyền người Pháp, ông thuê người làm đôi hia trị giá 2,5 cây vàng và mời gần một nghìn người dân tham gia đóng phim. Đôi hia ấy để phục vụ cảnh quay sau khi vua Thành Thái xé toạc tối hậu thư trước mặt viên Toàn quyền người Pháp rồi tháo, vứt bỏ đôi hia. Ở đây ông cho quay cận cảnh một người dân đi dép cỏ quỳ mọp dưới chân vua, bám lấy đôi hia để Vua Thành Thái không đi chân đất. Chi tiết cận cảnh ấy đã khái quát khí phách của nhà Vua, sẵn sàng vứt bỏ ngai vàng, chấp nhận đi chân đất, không chịu khuất phục trước kẻ thù và đạo vua tôi của người dân yêu nước.
Một cảnh khác, cũng rất công phu, đó là cảnh vua Hàm Nghi cưỡi voi đứng trước Ngọ Môn nói lời từ biệt với dân chúng. Khi nhà Vua qua sông Hương bằng thuyền, con voi đứng trên bờ, nhìn nhà Vua xa dần. Bỗng, nó kêu lên một tiếng, rồi lao xuống sông, bơi theo nhà Vua và từ từ xuống sông.
Để có được con voi đóng cảnh này, Đạo diễn Long Vân yêu cầu đoàn làm phim cho người đi khắp nơi tìm voi và đã tìm được con voi biết bơi, biết khóc ở Lào. Khi đoàn làm phim đặt vấn đề thuê con voi này để đóng trong một bộ phim về Bác Hồ, đồng bào bộ tộc Lào ở đây rất vui mừng. Họ mổ một con bò để liên hoan tiễn những người đưa voi đi. Phái đoàn “tháp tùng” voi gồm 5 người, trong đó có đồng chí Phó Bí thư huyện ủy của địa phương Lào và một chiếc ô tô chở mía cho voi ăn. Đoàn “tháp tùng” con voi đi bộ 5 ngày đêm mới đến Huế - nơi được chọn bối cảnh chính của bộ phim.
Để thực hiện cảnh bà Hoàng Thị Loan dệt vải và chết bên khung dệt, Đạo diễn Long Vân yêu cầu diễn viên Lan Hương đóng vai này phải đi học một tuần để biết được kỹ thuật dệt vải thời kỳ đầu thế kỷ 20. Khi thực hiện cảnh quay, cần một khung dệt cổ để đảm bảo hình ảnh được chân thực. Tìm khắp cả Huế không được. Cuối cùng, một người quen biết đã tìm được một khung dệt như ý đạo diễn và gửi từ Phan Thiết ra Huế.
Cảnh chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trước khi xa Huế ra viếng mộ mẹ là một cảnh cảm động. Đạo diễn đã cho người hỏi các cụ già, hỏi những người thạo về phong thủy để tìm nơi mà 90 năm trước đã từng là nơi đặt mộ bà Hoàng Thị Loan (trước khi được chuyển về Nghệ An). Trên mảnh đất đặt mộ phần bà Loan đã được đắp lại một nấm đất hình ngôi mộ để thực hiện cảnh quay. Vì thế, những người thực hiện cảnh này luôn có một cảm giác rất thiêng liêng, như linh hồn người xưa cũng về chứng giám.
Cảnh ông Tư Đờn (bố Út Vân) cho mời Nguyễn Tất Thành về ăn cơm gây ra những tranh luận trong cả đoàn làm phim. Vì biết Nguyễn Tất Thành thích ăn cá mè, nên ông cho nấu canh cá mè. Trong bữa cơm, ông Tư Đờn ngỏ ý tác thành cho Út Vân và Nguyễn Tất Thành. Tất Thành dừng ăn, quỳ xuống tỏ lòng cảm tạ rồi nói: “Việc của cháu không dừng ở đây được…”. Nhiều thành viên trong đoàn cho rằng, không nên để Tất Thành quỳ! Cuối cùng đạo diễn phải quay thêm cảnh Tất Thành dừng ăn cơm, khoanh tay nói lý do không thể tiến tới hôn nhân được là vì anh còn phải đi… Nhưng khi dựng, đạo diễn vẫn lấy cảnh Tất Thành quỳ. Khi duyệt phim không có ai có ý kiến gì về đoạn này.
Trước khi vào vai Nguyễn Tất Thành, diễn viên Tiến Hợi chưa từng đóng phim. Anh có gương mặt, ngoại hình khá giống chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành nhưng đạo diễn vẫn bắt Tiến Hợi ròng rã ăn gan lợn, gan gà vịt để đôi mắt của diễn viên sáng hơn, diễn tả thực hơn, gần giống với Bác thời trẻ hơn hơn.
Diễn viên Thu Hà vào vai Út Vân, người bạn gái đã dành cho Nguyễn Tất Thành diễn đạt vai diễn khá sinh động. Tuy nhiên, Thu Hà hơi… mập. Đạo diễn Long Vân yêu cầu Thu Hà phải ở trong một khu riêng, hạn chế giao thiệp với mọi người, hạn chế ăn để giảm cân và đọc kỹ kịch bản và nhen nhóm cảm xúc, suy nghĩ tìm tòi cách biểu hiện. Ông nói, ông “cần một giọt nước mắt rơi đúng lúc trong một cảnh khó nhất”. Thu Hà đã thực hiện nghiêm ngặt yêu cầu của đạo diễn và cô đã diễn một cách thành công trong cảnh chia tay cuối phim đầy xúc động.
“Giải phóng Sài Gòn”- Những đại cảnh về chiến tranh khốc liệt
Nếu ai đã xem phim “Giải phóng Sài Gòn” sẽ thấy, đây là bộ phim tái hiện những khoảnh khắc lịch sử hoành tráng nhất trong các phim làm về đề tài chiến tranh của Việt Nam. Đó là những đại cảnh khói lửa ngùn ngụt, xe tăng rầm rập băng lên, những chiến binh từ hai phía xốc tới bắn như vãi đạn, sân bay bị pháo kích dữ dội, những ụ súng bị hất tung bởi đạn pháo và trên trời trực thăng gầm rú liên hồi...
Các nhân vật trong phim đều là những nhân vật lịch sử như Tổng Bí thư Lê Duẩn (thời kỳ ấy gọi là Bí thư thứ Nhất BCH Trưng ương Đảng), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Võ Văn Kiệt, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Lê Trọng Tấn v.v. Theo tài liệu nêu trên các báo, để thực hiện bộ phim này, đoàn làm phim đã sử dựng 36 quả đạn cachiusa (giá trị 80 triệu đồng/quả. Tốn khoảng gần 3 tỷ đồng); 40 chiếc xe tăng; 650 quả đạn pháo đã được bắn; 6 tấn thuốc nổ; 1 tấn thuốc khói; 1000 bộ quần áo lính ngụy; 1000 khẩu súng AR15; 20.000 lượt người tham gia các cảnh quay. Tổng mức đầu tư kinh phí cho bộ phim là 12,5 tỷ đồng.
Đạo diễn Long Vân cho hay, trong phim không hề sử dụng kỹ xảo. Những cảnh chiến trận hoành tráng đều quay thực. Dàn cachiusa bắn đạn thật, đạn pháo bắn thật, nổ thật. Đại cảnh 40 xe tăng của ta bất ngờ từ đất “ngoi” lên “diễn” như thật. Các nhân vật, từ gương mặt, giọng nói, một vài đặc điểm tính cách đều giống như nguyên mẫu. Đạo diễn Long Vân kể, khi quay cảnh Tổng Bí thư Lê Duẩn làm việc tại nhà riêng, các thành viên trong gia đình theo dõi cảnh quay. Diễn viên Hà Văn Trọng vào vai đồng chí Lê Duẩn giống đến nỗi, con của cố Tổng bí thư Lê Duẩn bật khóc, nói rằng “Ba hiện về…”. Tính cách đồng chí Phạm Hùng trong phim cũng khá giống với ngoài đời. Ông sống rất giản dị, trang phục xuề xòa, trong phim ông không bao giờ đóng sơ vin.
Việc lồng tiếng cho phim mất mấy tháng trời. 20 nhân vật lịch sử với chất giọng riêng biệt ở nhiều miền quê đưa lên phim cũng phải chọn người có tiếng nói giống nguyên mẫu. Hai nhân vật lịch sử trong phim khó chọn người lồng tiếng nhất là Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đoàn làm phim phải về tận quê hương các nhà lãnh đạo chọn người có giọng nói giống như các nhà lãnh đạo.
“Những đứa con con Biệt động Sài Gòn”- Giả mà như thật
Phần đầu, 39 tập, phim “Những đứa con Biệt động Sài Gòn” lần đầu phát ở Đài TH Vĩnh Long đã tạo nên cơn sốt trong dư luận khán giả và tiếp đó được chiếu trên10 đài TH trong cả nước. Tại Liên hoan Phim Truyền hình lần thứ 31 tổ chức ở Đà Nẵng, phim “Những đứa con Biệt động Sài Gòn” được khán giả bình chọn là bộ phim xuất sắc nhất năm 2011 - 2012 do Tạp chí Truyền hình tổ chức với 3260 phiếu trong tổng số 10782 phiếu.
Đạo diễn Vân Long tâm sự: “Chúng tôi sản xuất phim rất kỹ lưỡng và nghiêm túc, quay tới 6- 8 ngày/tập chứ không phải 2-4 ngày như các phim khác. Tôi làm chỉ đạo nghệ thuật nên đã yêu cầu các anh em phải chú ý tới từng chi tiết, không được làm ẩu, làm cho qua chuyện, chính vì thế mà kinh phí làm phim cao”.
Bộ phim thành công phải kể đến sự giúp đỡ to lớn của Bộ Công an. Là “người nhà”, Đoàn làm phim đã mời được Tiểu đoàn đặc nhiệm số 2 - đơn vị từng thực hiện vây bắt Năm Cam tham gia trong một số cảnh quay. Các chiến sĩ đặc nhiệm, từng trải qua thực tế bước vào khung hình rất tự nhiên và chân thực. Đội khám nghiệm tử thi Dung Hà đêm xảy ra án mạng trên đường Bùi Thị Xuân, TP.HCM cũng được mời tham gia với vai trò Đội khám nghiệm tử thi nhân vật Phượng “đê”. Từng chi tiết nhặt mẩu giấy, vỏ viên đạn, đeo găng tay… đều được các thành viên của đội thực hiện y như một vụ án thật. Quay phim chỉ việc lia máy theo. Chính vì thế kỹ thuật hình sự được tái hiện sinh động theo từng góc quay.
Cảnh Thượng úy Đắc Vi về thăm trường cũ và được mời đến giao lưu với các khóa học viên ở đây. Được sự giúp đỡ của Ban giám hiệu một trường Cảnh sát phía Nam, đoàn làm phim đã thực hiện được một đại cảnh: Hàng trăm học viên trang phục chỉnh tề, quân kỷ nghiêm trang đã tham gia làm diễn viên đúng như công việc thường ngày của họ. Chính đại cảnh này cùng với một số đại cảnh khác như cuộc vây bắt bè lũ tội phạm Bảy Xoài đã được các nhà làm phim chọn làm Generic phim thật ấn tượng và hoàng tráng. Nói như các nhà làm phim thì dẫu có bỏ ra thật nhiều tiền cũng khó có thể thực hiện được những cảnh quay ấn tượng và chân thực đến như thế.
Đạo diễn Long Vân chỉ đạo đoàn làm phim qua điện thoại. Ảnh C.Th.
…Câu chuyện của ông với chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại của cộng sự, xin ý kiến ông về công việc chuẩn bị cho các cảnh quay ở trong Nam. Mỗi cú điện thoại, ông bật dậy, chỉ đạo qua điện thoại như chỉ huy trận đánh! Nhìn những cử chỉ lanh lợi, dứt khoát; nghe những câu chuyện hấp dẫn, ngùn ngụt đam mê nghệ thuật của ông, chúng tôi không thể tin nổi, ông đang ở tuổi 80!
Cao Thâm