Đại dịch thay đổi giao thông Trung Quốc mãi mãi

09:53 18/06/2021

Theo nhóm các nhà lãnh đạo ngành giao thông vận tải Trung Quốc, đại dịch vi-rút Corona đã tạo điều kiện cho sự ra đời của những mẫu phương tiện giao thông mới tại Trung Quốc, chẳng hạn như công nghệ lái tự động ngày càng trở nên phổ biến.

Edward Xu phục trách bộ phận chiến lược tại nhà máy sản xuất drone (một loại máy bay không người lái cỡ nhỏ có gắn camera) trả lời CNBC rằng sự bùng phát của Covid-19 đã thúc đẩy thương mại hóa các phương tiện bay tự hành hoặc máy bay không người lái được sử dụng nhằm mục đích vận chuyển hàng hóa, vật tư y tế và thậm chí cả hành khách đến và đi từ các khu vực cách ly. Công ty có trụ sở tại Quảng Châu đã gây chú ý vào năm 2016 khi tiết lộ khái niệm mới máy bay không người lái chở khách.

Xu cho biết thêm: “Chúng tôi đang làm việc với các nhà chức trách phía Chính phủ nhằm đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm của công ty” và nhấn mạnh hai bên đã tiến hành hai cuộc gặp với mục đích xin cấp giấy chứng nhận cho sáng kiến dùng drone chở hành khách trong vòng hai năm.

Startup xe tự lái Trung Quốc, Pony.ai đã đã gửi một số xe ô tô không người lái chở nhân viên y tế đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi Covid và vận chuyển nhiều hàng hóa cần thiết. Nhà sáng lập kiêm CEO startup, James Peng chia sẻ công nghệ đã khẳng định tiềm năng trong hoạt động ứng phó với đại dịch và làm thế nào để ứng dụng kỹ thuật mới vào thực tế: “Con người sẽ quen và thoải mái hơn với những phương tiện hoàn toàn không có người lái. Đây là viễn cảnh mà chúng tôi hướng tới và sẵn sàng phát triển hậu đại dịch”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Nhu cầu di chuyển tại đô thị tăng cao

Trong khi đại dịch đã khiến lượng người tham gia phương tiện giao thông sụt giảm đồng nghĩa với sử dụng phương tiện cá nhân tăng cao. Theo CEO Yan Li, nhà sản xuất xe máy điện Niu Technologies đã chứng kiến “một lượng nhu cầu khổng lồ đối với thiết bị di chuyển cá nhân trong khu vực đô thị” và công ty này đã vận chuyển hơn 150 nghìn chiếc trong quý một.

Thậm chí ngay cả khi đại dịch được khống chế, xu hướng này vẫn chưa hề nguội. Ông Li cho hay người dân Trung Quốc thích thú khi tiếp tục sử dụng xe riêng bởi loại hình này tự do hơn so với phương tiện giao thông công cộng. Li giải thích: “Chúng tôi thấy rằng người dân không muốn trở lại với phương tiện truyền thống. Nhiều người bắt đầu đi xe cá nhân và tôi nghĩ đây là xu hướng có lợi cho công ty”.

Thách thức phía trước 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Theo các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp, áp dụng công nghệ tự lái vào lượng lớn phương tiện một cách chính thống là thử thách lớn. Ông Peng đến từ Pony.ai đã liệt kê ba vấn đề chính gồm có nâng cao công nghệ, các quy tắc điều chỉnh và sự chấp nhận từ người dùng. Ông cho biết: “Tôi nghĩ rằng từ góc độ công nghệ, chúng tôi đã nỗ lực và có nhiều bước tiến trong những năm qua. Công ty đã có chứng nhận thử nghiệm tự lái 100% tại California và sẽ tiếp tục xin cấp phép ở Trung Quốc”.

Các phương tiện tự lái đã đạt được nhiều thành công trong năm qua khi hàng loạt các công ty thử nghiệm công nghệ nhằm tìm ra vấn đề cốt lõi và ngăn chặn tai nạn rủi ro. Tuy nhiên, câu hỏi về tính an toàn nơi công cộng và các quy tắc vẫn là thử thách trước mắt của thị trường giao thông tự động. Cũng theo ông Xu, các quy tắc điều chỉnh là “nút thắt lớn nhất” đối với sáng kiến máy bay không người lái chở hành khách bởi cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có quy định chính thức về vấn đề này và không có ưu tiên nào cho phép drone bay qua khu vực đô thị của Trung Quốc.

Xu tiếp tục: “Giờ đây, tình hình trở nên thuyết phục hơn rất nhiều bởi vì chúng tôi đã thử nghiệm bay thử tại hơn 43 thành phố trên 8 quốc gia với hơn 4000 chuyến bay hoàn thành”. Bên cạnh đó, thuyết phục hành khách ngồi ô tô hoặc máy bay không người lái tự lái cũng vẫn là một trở ngại lớn. Ông Peng nhận định: “Khách hàng cần có thời gian để làm quen với cảm giác mới cũng như hiểu được phương tiện tự lái thực ra là loại hình phương tiện giao thông an toàn và tiện lợi hơn”.

TL