Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết huy động được tổng cộng 31.643 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ thông qua 15 đợt đấu thầu trong tháng 10. Theo đó, 100% trái phiếu huy động được do Kho bạc Nhà nước phát hành.
Cụ thể, trong nước, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường đã tác động mạnh đến thu chi ngân sách nhà nước. Trong khi đó, Chính phủ đã thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh; giãn, hoãn thuế đồng thời đẩy mạnh chi an sinh xã hội và thúc đẩy đầu tư công để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, từ đó dẫn đến nhu cầu vốn cho cân đối ngân sách nhà nước tăng cao. Thị trường tài chính và tiền tệ biến động mạnh nửa đầu năm, ở một số thời điểm đầu năm thị trường thanh khoản kém, Kho bạc Nhà nước không huy động được vốn.
Tọa đàm về công tác huy động trái phiếu Chính phủ tổ chức ngày 31/10/2020; Ảnh: HNX.
Tuy nhiên, nhờ hai yếu tố hỗ trợ chính gồm thanh khoản thị trường dồi dào và khối lượng trái phiếu Chính phủ đáo hạn lớn tạo nguồn tái đầu tư nên thị trường trái phiếu Chính phủ nên công tác huy động vốn cho ngân sách Nhà nước vẫn đạt kết quả tốt.
Thống kê sơ bộ cho thấy, trên thị trường sơ cấp, chỉ trong 10 tháng năm 2020, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 260.116 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tăng 17,8% so với cả năm 2019, hoàn thành 100% kế hoạch năm. Kỳ hạn phát hành bình quân đạt 13,25% năm, giảm nhẹ so với năm 2019; lãi suất phát hành giảm trên tất cả các kỳ hạn so với năm 2019, đặc biệt trong tháng 3 và tháng 9, lãi suất chạm đáy 10 năm trở lại đây. Lãi suất phát hành bình quân đạt 2,92%/năm, giảm 37% so với năm 2019.
Đặc biệt, cơ cấu nhà đầu tư tham gia trên thị trường trái phiếu Chính phủ hiện nay cho thấy, khối bảo hiểm chiếm đến 54%, còn lại là khối ngân hàng thương mại và các công ty tài chính, quỹ đầu tư.
Trên thị trường thứ cấp, quy mô niêm yết đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2019, kỳ hạn niêm yết bình quân được kéo dài tới 8,93 năm, tăng 8% so với năm 2019. Trong 10 tháng đầu năm 2020, giá trị giao dịch bình quân phiên tiếp tục xu hướng tăng, đạt trên 9,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so với năm 2019. Tỷ trọng giao dịch Repo có xu hướng giảm kể từ năm 2018, đạt dưới 50% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Về cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp, ngân hàng thương mại vẫn là chủ thể giao dịch chính, chiếm tỷ trọng 82.5% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, khối Bảo hiểm có xu hướng tham gia ít đi, tỷ trọng giao dịch hiện đang chiếm 2.74% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Giao dịch nhà đầu tư ngoại tuy có xu hướng giảm từ năm 2019 đến hiện tại, nhưng trong 10 tháng đầu năm 2020, khối ngoại vẫn có xu hướng mua ròng trên 3 nghìn tỷ đồng.
Đại diện Kho bạc Nhà nước đánh giá công tác đấu thầu trái phiếu Chính phủ 10 tháng năm 2020 chịu nhiều ảnh hưởng của các biến động kinh tế vì dịch Covid-19.
Dịch bệnh tác động mạnh đến thu chi ngân sách Nhà nước. Chính phủ thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, giãn, hoãn thuế đồng thời đẩy mạnh chi an sinh xã hội và thúc đẩy đầu tư công để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế đã dẫn đến nhu cầu vốn cho cân đối ngân sách Nhà nước tăng cao.
Hiện nay, Kho bạc Nhà nước cũng đang hoàn thiện để trình ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, dự kiến thực hiện từ đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước tiếp tục thực hiện phát hành bổ sung vào các mã trái phiếu Chính phủ đang lưu hành để tăng quy mô, giảm số lượng mã trái phiếu, duy trì quy mô 15.000-18.000 tỷ đồng/mã trái phiếu, hướng tới 1 tỷ USD; tiếp tục thực hiện hoán đổi trái phiếu Chính phủ nhằm giảm đỉnh nợ, giảm rủi ro thanh khoản cho ngân sách Nhà nước, giảm mã nhỏ lẻ, tăng thanh khoản cho trái phiếu Chính phủ...
Đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết, năm 2021, cơ quan này sẽ tiếp tục duy trì các giải pháp đã thực hiện năm 2020 nhằm huy động vốn đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước. Kỳ hạn danh mục bình quân sẽ được duy trì ở mức 7-8 năm theo Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2030. Kho bạc Nhà nước sẽ tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ trả lãi cuối kỳ, phát hành linh hoạt trái phiếu long/short coupon.
Trang Nhung