Ngành dừa Việt Nam trong thời gian vừa qua vừa trở mình phát triển lại gặp phải 02 đợt dịch bệnh trên toàn thế giới làm chậm đi tốc độ tăng trưởng mà cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cả nước đã từng kỳ vọng. Tuy nhiên lại có những lợi thế mà Trung ương đã tạo điều kiện cho ngành dừa như: Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu quốc gia cho ngành thực phẩm từ dừa. Là một trong 09 nhóm ngành đầu tiên của quốc gia được Chính phủ đặt nhiều mục tiêu cho việc thúc đẩy phát triển; Chính phủ tin tưởng trao trọng trách cho Hiệp hội dừa Việt Nam đại diện ngành dừa Việt Nam tại Cộng đồng dừa Thế giới – ICC, đưa cây dừa vào đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. (Quyết định số: 5227/QĐ-BNN-TT ngày 30/12/2021) và nhiều điều kiện thuận lợi khác.
Quyền Tổng thư ký - Phó trưởng Đại diện Hiệp hội dừa VN tại Cộng đồng dừa thế giới, ông Cao Bá Đăng Khoa cho biết, trong chương trình triển khai kế hoạch hành động 2023, Hiệp hội dừa Việt Nam đã đề ra mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp ngành dừa và ngành liên quan đến dừa, đẩy mạnh các hoạt động giao thương kích cung kích cầu cho thị trường, thúc đẩy cho sự phát triển của nền kinh tế. Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, kết nối, giao thương, đưa thương hiệu của mình truyền thông rộng rãi. Hiệp hội dừa Việt Nam đã tổ chức chương trình “Xúc tiến thương mại ngành dừa và các ngành liên quan đến dừa” Lần thứ 1 với chuyên đề: "Hợp tác phát triển".
Hội nghị có những nội dung: Hội thảo về những ưu đãi từ dự án Biotrade (do Cục kinh tế liên bang Thụy Sỹ - SECO tài trợ, Trung tâm phát triển kinh tế nông thôn – CRED triển khai thực hiện); Doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn sản xuất kinh doanh và các dịch vụ từ Ngân hàng United Overseas Bank Việt Nam (UOBV Bank) hỗ trợ doanh nghiệp ngành dừa và liên quan đến dừa sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. Trong dịp này, Hiệp hội dừa Việt Nam cũng đã trao quyết định công nhận cho các hội viên mới.
Đặc biệt, chương trình lần này, Hiệp hội dừa Việt Nam dành thời lượng lớn cho doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, trao cho các nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp để các bên trao đổi về mục tiêu của mình trong kế hoạch kinh doanh nhằm tìm tiếng nói chung để cùng hợp tác phát triển. Sau đó, Hiệp hội dừa Việt Nam sẽ đại diện cho doanh nghiệp ngành dừa và các ngành liên quan đến dừa đề ra những chính sách, kế hoạch, hoặc đề xuất các Bộ, ngành Trung ương kịp thời có những chính sách hỗ trợ thiết thực nhất.
Với 03 chủ đề nhỏ, và mục tiêu chung cho doanh nghiệp tại hội nghị này, cùng với sự đồng hành của các cơ quan truyền thông cả nước, Hiệp hội dừa Việt Nam kỳ vọng mang lại giá trị lan tỏa, tăng tốc bức phá với những con số phát triển của ngành dừa và các ngành liên quan đến dừa trong năm 2023.
Bà Nguyễn Thị Trúc Liên- Đại diện Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Bến Tre (Betrimex) cho biết, công ty hiện có hơn 8.300 ha diện tích dừa Organic tập trung ở 02 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Trong đó Bến Tre với diện tích hơn 5.000 ha, Trà Vinh với diện tích hơn 2.900 ha.
Betrimex xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ đối với bà con nông dân trồng dừa: Tặng nhà tình thương, tặng phân bón, tài trợ trẻ em nghèo hiếu học, xây dựng cầu nông thôn, tài trợ sách, cải tạo vườn dừa cho bà con nông dân, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng khác sang trồng dừa phù hợp với địa hình biến đổi khí hậu, cung cấp nguồn giống chất lượng tốt nhất thông qua công nghệ nuôi cấy phôi trong phòng thí nghiệm tích hợp với sản xuất.
"Với chương trình cấy phôi tích hợp, chúng tôi sẽ sử dụng lại các phôi dừa trong quá trình sơ chế hàng ngày, sau thời gian nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và đưa ra vườn ươm, những cây dừa này được quay về để cung cấp cho bà con nông dân cải tạo hoặc trồng mới vườn dừa nhằm tái tạo vùng trồng của Bến Tre, Trà Vinh và các tỉnh lân cận.", bà Liên nói thêm.
Mị Dung