Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh: Đây là nhà máy có quy mô lớn nhất nhì châu Á nhưng điều quan trọng là đảm bảo chất lượng, bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân và góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tham gia thị trường xuất khẩu.
Nhà máy gạo Hạnh Phúc được đầu tư xây dựng với diện tích 161.000m2 tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang và được thiết kế với công suất mỗi ngày sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi, hệ thống 80 silo chứa lúa (bảo ôn) 240.000 tấn, xay xát chế biến 1.600 tấn (lúa khô), nâng tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn.
Ngoài ra, nhà máy vận hành 100% giải pháp công nghệ được nhập khẩu từ châu Âu như hệ thống tiếp nhận, làm sạch, sấy và silo chứa lúa của Tập đoàn SKIOLD (Đan Mạch); hệ thống xay xát lúa gạo từ Buhler (Thụy Sỹ); các trang thiết bị đi kèm đều nhập khẩu và đồng bộ theo tiêu chuẩn EU. Đây đều là những đối tác công nghệ hàng đầu châu Âu với kinh nghiệm hoạt động từ hàng chục đến hàng trăm năm; đáp ứng chuẩn mực các yêu cầu khắt khe nhất của thế giới về an toàn thực phẩm, an toàn vận hành và thân thiện với môi trường.
Dự án nhà máy gạo Hạnh Phúc được đầu tư rất lớn về công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản, trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn thế giới là điều kiện rất quan trọng để tạo nên những hạt gạo ngon, đồng đều về chất lượng và ít bị ảnh hưởng bởi vụ mùa.
“Nhà máy gạo Hạnh Phúc thực hành sản xuất lúa gạo tốt từ đầu vào nhờ tối ưu công nghệ vì thế sẽ giúp giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng tỷ lệ thu hồi gạo thành phẩm và cạnh tranh về giá thành”, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long chia sẻ.
Đáng chú ý, nhà máy có vị trí chiến lược là được bao quanh bởi 4 huyện trồng lúa khác gồm: Thoại Sơn, Giang Thành (An Giang), Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang). Lợi thế này góp phần đáng kể vào việc rút giảm khoảng cách, thời gian, chi phí vận chuyển lúa tươi từ cánh đồng về nhà máy cho nông dân; đảm bảo điều kiện lý tưởng để lúa tươi được sấy và lưu trữ; giữ được mùi thơm, hương vị của các giống lúa, trong đó có các loại gạo danh tiếng của Việt Nam xuất khẩu đi khắp thế giới.
Cũng nhân dịp này, Tập đoàn Tân Long và UBND tỉnh An Giang đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết với các tổ chức nông dân sản xuất, tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị. Theo đó, Tân Long sẽ tổ chức bao tiêu với các hợp tác xã tại An Giang trên diện tích 30.000 hecta và mở rộng quy mô sang các địa phương lân cận trong những năm tiếp theo.
Đồng thời, nhà máy cũng chú trọng vào phát triển các dòng lúa chất lượng cao phục vụ cho cả nhu cầu xuất khẩu và trong nước như: Japonica, Jasmine, Đài Thơm, ST21, ST24, ST25... Tân Long sẽ thực hiện xử lý sau thu hoạch, chế biến và đóng gói; đồng thời tìm kiếm và phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm gạo A An; hoàn thiện chuỗi lúa gạo khép kín từ cánh đồng đến bàn ăn.
Được biết, diện tích 5 huyện gần kề nhà máy gạo Hạnh Phúc đạt gần 300.000 hecta so với 1,6 triệu hecta trồng lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
Khánh Anh