Có nên ‘ép’ tăng trưởng tín dụng?

00:00 12/10/2020

Nếu cố đẩy tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá đạt mục tiêu trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp còn yếu thì sẽ đẩy nợ xấu phình to như 10 năm trước.

tang-truong-tin-dung-4425-1594022423.jpg

Đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng đạt 3,26% (Ảnh minh hoạ: Internet)

Ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động và cho vay, song tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước. Trước thực tế này, nhiều chuyên gia và các công ty phân tích thị trường đánh giá mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra cho năm nay có khả năng bị “phá sản”.

Áp lực vốn thấp

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 19/6/2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%), song tín dụng chỉ tăng 2,45% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,22%). Tốc đố tăng trưởng huy động vốn tăng gần gấp đôi tốc độ tăng của tín dụng đã phần nào cho thấy tình trạng thừa vốn của ngân hàng.

Áp lực vốn thấp là lý do khiến lãi suất huy động giảm, kéo theo lãi suất cho vay giảm. Thế nhưng sức cầu của nền kinh tế quá yếu đã không kéo tăng trưởng tín dụng lên cao.

Thực tế, dù kinh tế Việt Nam đã bước vào giai đoạn “bình thường mới”, song dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp và việc thông thường hàng hoá giữa các nước vẫn chưa trở lại bình thường.

Nhiều doanh nghiệp cho biết tình trạng sản xuất - kinh doanh vẫn đang cầm chừng do hàng tồn kho còn nhiều. Vì vậy, doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn.

“Trong giai đoạn này, chúng tôi cố gắng xử lý hết hàng tồn kho để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng, sau đó mới tính đến chuyện mở rộng sản xuất – kinh doanh hay không cũng còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và trên thế giới”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ chia sẻ.

Trên thực tế, lãi suất hiện nay đã giảm khoảng 2% so với thời điểm đầu năm 2020. Vì vậy, đó không còn là rào cản quá lớn đối với doanh nghiệp. Vấn đề lớn nhất khiến tín dụng tăng chậm là sức cầu của nền kinh tế cũng như của thị trường xuất khẩu còn quá yếu.

Các tổ chức tín dụng đang tích cực đẩy nhanh triển khai nhiều chương trình cho vay trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm như BIDV vừa “thiết kế” hàng loạt gói cho vay dành riêng cho từng đổi tượng khách hàng.

Chẳng hạn, gói tài khoản nhận lương dành cho khách hàng là nhân viên văn phòng, công nhân, người lao động nói chung có nhu cầu mở tài khoản tại BIDV để được nhận lương sẽ được hưởng một số tiện ích nổi bật như: Vay không tài sản đảm bảo với mức tối đa lên đến 30 lần lương (không quá 500 triệu đồng), Thanh toán hóa đơn điện nước tự động với khuyến mại hoàn 20% giá trị hóa đơn tháng đầu tiên.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng cho biết đã và đang nghiên cứu, thực thi đơn giản hóa nhất các thủ tục vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc sẽ nới lỏng các điều kiện và hạ chuẩn cho vay.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết do tín dụng tăng thấp, các ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay để cạnh tranh. Mặt khác, duy trì mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp cũng là định hướng của NHNN.

Tín dụng đã tăng trở lại

Đến đây, một câu hỏi đặt ra là ngành ngân hàng có phải bằng mọi giá đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng?

Thực tế, những nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp của ngành ngân hàng đã có tác động tích cực. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương, Thống đốc NHNN cho biết trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu vay vốn thấp và tín dụng tăng trưởng chậm, đặc biệt tháng 4-5 khá yếu. Nhưng, từ cuối tháng 5 đến nay tín dụng đã tăng trưởng khá mạnh trở lại.

Đến ngày 29/6 tín dụng tăng 3,26%. Trước đó, tháng 3 tín dụng mới chỉ tăng khoảng 1,13%; tháng 4 tăng 0,12%; nhưng đến tháng 5 đã tăng lại 0,53% và đến 29/6 thì mức tăng so với tháng 5 là 1,28%.

Trước diễn biến trên, cùng với cân đối thanh khoản và nguồn vốn thuận lợi của hệ thống, ngay từ đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều chỉnh tín dụng hỗ trợ phục vụ cho tăng trưởng; nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một loạt ngân hàng thương mại, thành viên nào có điều kiện tăng trưởng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, thì có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với nhu cầu.

Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay chỉ mang tính định hướng chứ không phải là quy định bắt buộc và sẽ được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với diễn biến của nền kinh tế.

“Ngành ngân hàng tăng cường cho vay hỗ trợ DN, nền kinh tế nhưng không chạy theo tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá hay cho vay dưới chuẩn để đạt mục tiêu lợi nhuận… Tất cả nhằm bảo đảm tăng trưởng tín dụng chất lượng, bảo đảm an toàn hệ thống, không để gia tăng nợ xấu như mục tiêu hoạt động đã đề ra cho ngành trong năm 2020”, lãnh đạo NHNN cho hay

Giới chuyên gia cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay có khả năng chỉ dưới 5%. Vì thế, tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 9-10% sẽ là phù hợp. “Không nên ép tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, bởi điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cũng như tạo sức ép lạm phát trong năm tới”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Thanh Hoa