Cỗ máy kiếm tiền mạnh nhất của Google có nguy cơ phải bán lại

10:21 15/06/2023

Google có thể phải bán một phần bộ phận công nghệ quảng cáo - cỗ máy kiếm tiền mạnh nhất để giải quyết những lo ngại về hành vi phi cạnh tranh của mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo nhà chức trách EU, cơ quan giám sát chống độc quyền hàng đầu của EU có thể sẽ sớm ban hành một yêu cầu chính thức đối với Google, tăng cường hơn nữa các nỗ lực xuyên Đại Tây Dương nhằm làm giảm sự thống trị của gã khổng lồ công nghệ trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số.

Cụ thể, Google có thể phải bán một phần bộ phận công nghệ quảng cáo để giải quyết những lo ngại về hành vi phi cạnh tranh của mình.

Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra tuyên bố, hai năm sau khi mở cuộc điều tra các hành vi của Google như ưu tiên dịch vụ tìm kiếm riêng. Nó có thể dẫn đến khoản phạt tối đa 10% doanh thu toàn cầu. Theo Reuters, lần này nguy cơ với Google cao hơn vì liên quan đến cỗ máy kiếm tiền mạnh nhất. Bộ phận quảng cáo của hãng chiếm 79% tổng doanh thu năm ngoái.

Cụ thể, doanh thu quảng cáo từ dịch vụ tìm kiếm, Gmail, Google Play, Google Maps, YouTube, Google Ad Manager, AdMob và AdSense năm 2022 của Google là 224,5 tỷ USD.

Google có vài tháng để phản hồi. Hãng cũng có thể đề nghị một phiên điều trần kín với các quan chức chống độc quyền cấp cao của ủy ban trước khi EU đưa ra quyết định cuối cùng. Hoặc, công ty có thể dàn xếp khi đưa ra biện pháp khắc phục mạnh hơn trước.

Thông báo từ cơ quan quản lý cạnh tranh EU nêu rõ việc Google ưu tiên các dịch vụ quảng cáo trực tuyến của mình gây tổn hại cho các đối thủ cung cấp công nghệ quảng cáo, các hãng quảng cáo và các hãng phát hành trực tuyến. Theo đó, từ năm 2014, Google đã lạm dụng ưu thế trên không gian trực tuyến nhờ cùng lúc sở hữu nhiều dịch vụ liên quan quảng cáo trực tuyến, từ máy chủ quảng cáo DFP đến các công cụ mua quảng cáo Google Ads và DV360, từ đó dành ưu tiên đặc biệt cho mạng giao dịch quảng cáo AdX của mình.

Giám đốc chống độc quyền EU Margrethe Vestager cho biết, Google có thể phải bán một phần bộ phận công nghệ quảng cáo (adtech) vì biện pháp khắc phục không thể hiệu quả trong việc ngăn chặn các hành vi phi cạnh tranh. Bà đưa ra phương án tiềm năng như thoái vốn khỏi các công cụ DFP và AdX.

Tuy nhiên, Google không đồng ý với quan điểm của ủy ban. Phó Chủ tịch Quảng cáo toàn cầu Google cho rằng, cuộc điều tra chỉ nhằm vào khía cạnh hẹp của bộ phận quảng cáo và không có gì mới.

Theo bà Vestager, cuộc điều tra sẽ tiếp tục với bộ công cụ chặn cookies bên thứ ba trên trình duyệt Chrome, cũng như kế hoạch dừng cung cấp công cụ xác định quảng cáo cho bên thứ ba trên smartphone Android.

Cơ quan cạnh tranh EU cho rằng chỉ điều chỉnh hành vi sẽ không có tác dụng ngăn chặn các thói quen phi cạnh tranh. Trước đó, 3 tháng sau khi cơ quan quản lý của EU mở cuộc điều tra, Google đã tìm cách dàn xếp vụ việc. Tuy nhiên, các nhà quản lý ngày càng nhận thấy tốc độ cải thiện hành vi phi cạnh tranh rất chậm và thiếu nhượng bộ đáng kể. Đến nay, quan điểm của EC là Google phải rút vốn khỏi một số dịch vụ quảng cáo.

Sự thống trị của Google trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến ngày càng bị chỉ trích trong vài năm qua. Khiếu nại từ các đối thủ đã dẫn đến các cuộc điều tra chống độc quyền ở nhiều châu lục liên quan đến các hoạt động của Google.

Đầu năm nay, Mỹ đã khởi kiện một vụ kiện công nghệ quảng cáo chống lại Google, yêu cầu công ty này bán bộ ứng dụng quản lý quảng cáo của họ và lập luận rằng gã khổng lồ tìm kiếm đã lạm dụng bất hợp pháp sự thống trị của mình đối với quảng cáo trực tuyến. Google đã phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Theo công ty nghiên cứu Insider Intelligence, với 28% thị phần doanh thu quảng cáo toàn cầu, Google là nền tảng quảng cáo trực tuyến có ưu thế lớn nhất thế giới. 

Minh Anh (T/h)