Chuyển đổi số trong logistics còn nhiều rào cản, chưa đáp ứng nhu cầu

14:47 28/04/2023

Chia sẻ tại hội thảo ‘‘Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững’’ ngày 27/4, ông Phan Văn Chinh – Cục Trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) nhận định, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, ngành logistics cũng còn nhiều hạn chế.

Các hạn chế đó là, chi phí dịch vụ logistics còn cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu.Hơn nữa, chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển...

Theo ông Chinh, một trong những nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là do ứng dụng công nghệ số trong logistics chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.

Bổ sung thêm, ông Lê Quang Trung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng, hiện nay mới có khoảng 40% doanh nghiệp dịch vụ logistics đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ. Trong đó, chủ yếu là các dịch vụ, gồm: khai báo hải quan (100% điện tử), thanh toán thuế (100% hóa đơn điện tử), dịch vụ quản lý khai thác cảng biển, quản lý hành trình xe vận chuyển hàng hóa, quản lý kho bãi,...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo ông Trung, việc chuyển đổi số ngành logistics còn rất nhiều rào cản: Tư duy nhận thức, tập quán trong giao dịch với các chủ thể. Thậm chí ngay trong cảng, trong tập quán giao nhận vẫn đang có sự xung đột với các quy trình vận hành mới do sự khác nhau giữa các đơn vị và khác nhau giữa các vùng. Vấn đề về kỹ thuật, công nghệ. Việc chuyển đổi, lựa chọn công nghệ phù hợp với từng ngành hàng trong điều kiện hiện tại là điều không dễ. Con người, nhân sự, năng lực triển khai chuyển từ phương thức truyền thống sang công nghệ số. Các chủ hàng là bà con nông dân nên vẫn theo phương thức làm cũ, năng lực áp dụng công nghệ mới rất khó khăn. Tài chính là vấn đề lớn, bởi chuyển đổi số phải đầu tư toàn diện, đồng bộ từ trang thiết bị đến phần mềm, nguồn nhân lực… Hành lang chính sách cho chuyển đổi số vẫn chưa đồng bộ, hệ thống dữ liệu chưa thống nhất, hạ tầng chưa hoàn thiện.

Để vượt qua những rào cản, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, theo ông Trung, vấn đề liên kết hợp tác là thực sự cần thiết.

Còn ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh thêm, trong quá trình chuyển đổi số cần có sự đồng hành, phối hợp, hỗ trợ, liên kết của tất cả các đơn vị liên quan. Điều này sẽ tạo ra sự lan toả, thúc đẩy giúp chúng ta chuyển đổi số thành công.

Dưới góc độ chuyên gia, bà Cao Cẩm Linh cho rằng, quan trọng nhất là doanh nghiệp biết lúc nào mình cần chuyển đổi số và chuyển đổi số như thế nào. Với nhóm các doanh nghiệp hạ tầng và vận hành, đây là nhóm có giá trị tài sản lớn nên bắt buộc phải ứng dụng chuyển đổi số trên cơ sở các dữ liệu lớn có được và tiến hành phân tích. Còn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ phải biết chính xác chuyển đổi số là gì, trưởng thành số là gì. “Nếu chúng ta trưởng thành cao trong mức chuyển đổi số thấp sẽ rất tốt cho doanh nghiệp mà không nhất thiết chạy theo những doanh nghiệp lớn bằng chuyển đổi số toàn diện”, bà Linh khuyến nghị.

“Chuyển đổi số” là khi các dữ liệu đã được số hoá, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như AI, Big Data… để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị mới, mang tính ứng dụng cao. Vì vậy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cần thiết phải chuyển đổi số (Digital Transformation) nhằm thay đổi sự trì trệ, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics, tăng trưởng, có thêm khách hàng và đạt lợi nhuận tối đa vượt trội so với trước khi chuyển đổi số.

T.H