Chuyển đổi số quyết định tính sống còn của ngành truyền thông hiện đại

16:12 21/09/2023

Tại Hội thảo ASEAN 'Chuyển đổi số báo chí - kiến tạo tri thức số' ngày 21-9, ông Nguyễn Thanh Lâm - thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông khẳng định chuyển đổi số quyết định tính sống còn của ngành truyền thông hiện đại.

Ảnh minh họa
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí / ẢNh TTO

Doanh thu trong lĩnh vực truyền thông ước tính khoảng 4 tỷ USD, tuy nhiên, khoảng 50% của số này đang "trôi" vào các nền tảng xuyên biên giới và mạng xã hội, tạo ra sự thiếu hụt nguồn thu đáng kể cho các cơ quan truyền thông trong nước. Điều này được ông Lưu Đình Phúc, cục trưởng Cục Báo chí, chia sẻ tại Hội thảo ASEAN mang tên "Chuyển đổi số báo chí - kiến tạo tri thức số" diễn ra vào ngày 21-9.

Ông Phúc nhấn mạnh rằng các cơ quan truyền thông tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn do sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nền tảng xuyên biên giới, dẫn đến giảm thu nhập và sự sụt giảm trong số độc giả. 

Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông/ Ảnh TTO

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đã khẳng định rằng việc chuyển đổi số là quyết định quan trọng để ngành truyền thông hiện đại tồn tại và phát triển.

Thói quen tiếp cận thông tin của người dân đã thay đổi mạnh mẽ trong thời kỳ chuyển đổi số, cùng với đó là sự thay đổi về cách trình bày thông tin, thị phần, quảng cáo, mô hình kinh doanh, và các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Lâm nêu rõ rằng các cơ quan quản lý đã nhận thấy khó khăn của cơ quan báo chí và cũng đã nhận thấy sự quyết tâm của ngành truyền thông và doanh nghiệp trong việc thực hiện quá trình chuyển đổi số. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ quan truyền thông trong quá trình này.

Chia sẻ kinh nghiệm về Chuyển đổi Số Báo chí ở Việt Nam, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết để thực hiện Chuyển đổi Số Báo chí, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng công cụ đánh giá về tình hình phát triển báo chí, từ đó các cơ quan báo chí có thể thực hiện lộ trình Chuyển đổi Số, với những giải pháp phù hợp, thực hiện chiến lược phát triển trong tương lai.

Ngoài ra, Việt Nam còn ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành Chuyển đổi Số Báo chí, bao gồm bảng các chỉ số được nhóm thành 5 trụ cột của Chuyển đổi Số báo chí (gồm: Chiến lược; Hạ tầng Số, Nền tảng Số và An toàn thông tin; Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn; Độc giả, khán giả, thính giả; Mức độ ứng dụng công nghệ số) với tổng thang điểm 100.

Ông Lưu Đình Phúc nêu đề xuất ASEAN nên xây dựng Chỉ số chung về độ trưởng thành trong Chuyển đổi Số của báo chí. Mỗi quốc gia cần phát triển công cụ riêng để đo lường mức độ trưởng thành, biến đổi của báo chí kỹ thuật số nhằm tạo cơ sở để đo lường và giám sát quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của báo chí, góp phần nâng cao chất lượng của báo chí.

Tại Hội thảo, ông Zul-Fakhri Maidy, đại diện Brunei cho hay Brunei hướng đến mục tiêu trở thành một nước thông minh, hoàn thành xây dựng 3 nhiệm vụ: Chính quyền Số, Kinh tế Số và Xã hội Số; hình thành hệ sinh thái có trách nhiệm, sáng kiến trong nền tảng Truyền thông Số.

Ngoài ra, Brunei rất quan tâm đến sở hữu trí tuệ trong Chuyển đổi Số, chính vì vậy chính quyền đã xây dựng nhiều quy định, tham gia hiệp định trên thế giới về sở hữu trí tuệ.

Đại diện Brunei cũng mong muốn các nước ASEAN tăng cường và mở rộng hợp tác với ngành kỹ thuật số để hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số cho các cơ quan truyền thông như đào tạo kỹ thuật, quan hệ công chúng và đào tạo sản xuất video; tổ chức các chương trình trao đổi nội dung truyền thông qua Internet; đặc biệt là chia sẻ thông tin trên các nền tảng kỹ thuật số mới nhất cho báo chí và các cơ quan truyền thông; khuyến khích nhiều chương trình hoặc chiến dịch nâng cao nhận thức hơn nhằm giảm thiểu vi phạm bản quyền.

Theo đại diện Bộ Thông tin và Quan hệ công chúng Thái Lan, hành vi tiếp nhận thông tin của người dùng đang có sự thay đổi.

Người dân tăng cường tiếp nhận thông tin trên các nền tảng mang tính quốc tế. Bình quân mỗi người dân dành hơn 8 giờ mỗi ngày sử dụng các phương tiện cầm tay để tiếp cận thông tin. Ví dụ, hiện nước này có hơn 19 triệu người theo dõi thông tin thời sự qua Facebook.

Xác định thông tin tiên quyết cho sự phát triển, năm 2015 Thái Lan đã khởi xướng nền tảng số phát triển bền vững với sự tham gia của chính quyền. Chính phủ định hướng người dân truy cập các nền tảng thông tin phục vụ lợi ích người dân.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Myanmar, bà Ling Muang Pan cho hay, về kế hoạch phát triển truyền thông trong lĩnh vực báo chí, cần xây dựng một chiến lược quy hoạch tổng thể mới, trong đó vạch rõ sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược trong tương lai, kế hoạch hành động dài hạn.

Bà Ling Muang Pan cho hay, tại Myanmar, các tờ báo, tạp chí, truyền hình trong nhà nước và tư nhân đang phục vụ cho nhu cầu thông tin và giải trí của người dân, hướng đến phục vụ cho thị trường. 

Bà Ling Muang Pan nhấn mạnh, sứ mệnh báo chí là giáo dục và truyền thông, là nơi tiếng nói của người dân được tiếp nhận và thông báo đến Chính phủ. Ngành truyền thông của Myanmar đã tăng cường các hoạt động chống tin giả, tin sai lệch, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào phát sóng và có các chính sách thúc đẩy sự tương tác giữa Chính phủ và người dân.

Còn đại biểu đến từ Campuchia, ông Ry Soyhhakrodh cho biết, chuyển đổi số là thay đổi tư duy để làm cuộc sống tiện ích hơn. Campuchia đã thực hiện giám sát nội dung các kênh truyền hình, mạng liên lạc, tích cực xây dựng nền tảng số về truyền hình và phát thanh trên toàn quốc, tiến tới loại bỏ các nền tảng truyền hình truyền thống vào năm 2025. 

Campuchia mong muốn tăng cường hợp tác công-tư, thu hút sự đầu tư khu vực tư nhân để thúc đẩy chuyển đổi số mạng lưới truyền hình. Xây dựng nền tảng thống nhất cho truyền thông quốc gia, áp dụng các phương thức truyền tải hiện đại như 5G vào phát thanh, truyền hình.

Thanh Hà