Chuẩn bị những gì khi mở cửa du lịch quốc tế?

08:04 14/01/2021

Việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, thúc đẩy nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế sau Tết Nguyên đán 2021, một số doanh nhân cho rằng, cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để có thể khởi động ngay khi được phép.

Làm thế nào để ngành du lịch khắc phục nhanh hậu quả của dịch COVID-19, triển khai khôi phục và phát triển du lịch trong bối cảnh vẫn thực hiện phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho xã hội nhưng sẵn sàng triển khai nhanh nhất các kế hoạch khi điều kiện cho phép là vấn đề đặt ra không chỉ riêng với các doanh nghiệp.

Thông tin tại diễn đàn Lữ hành toàn quốc 2021, được tổ chức tại Hải Phòng, lãnh đạo Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết, năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80%, lượng khách nội địa giảm 50%, khách outbound giảm 90%, doanh thu giảm gần 60% so với 2019.

Trong Diễn đàn, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam nghiên cứu, bán các sản phẩm bảo hiểm du lịch về dịch bệnh Covid-19 như các trường hợp dịch bệnh khác theo quy định của pháp luật.

Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn. 

Theo ông Tài, điều này nhằm bảo đảm quyền lợi, an toàn cho khách, doanh nghiệp du lịch và chính quyền trong tình huống phải hủy, hoãn chuyến du lịch cũng như phải thực hiện việc kiểm tra, điều trị bệnh...

Tại một số quốc gia, các chương trình bảo hiểm y tế du lịch liên quan Covid-19, giúp chi trả chi phí liên quan đến các tình huống như nhập viện do Covid-19, điều trị, sơ tán y tế và hồi hương... Loại bảo hiểm này có thể giúp du khách bù đắp chi phí trong trường hợp chuyến đi bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Hồi đầu dịch, một số công ty bảo hiểm đã bán bảo hiểm Covid-19 cho người dân nhưng sau đó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không giới thiệu hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh này.

Ông Võ Anh Tài cho rằng, nên nghiên cứu, sửa đổi các điều kiện để hủy đặt chỗ tour du lịch quốc tế và trong nước nhằm giảm áp lực tranh chấp tài chính giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cũng như duy trì nhu cầu du lịch của khách hàng.

Tại Pháp, chính phủ cho phép thay thế tiền hoàn lại bằng hình thức một phiếu mua hàng (voucher) có giá trị tương đương cho một dịch vụ trong tương lai. Khách hàng có thể yêu cầu hoàn tiền sau 18 tháng với các voucher chưa sử dụng.

Để sớm thu hút du khách quốc tế trở lại, Việt Nam nên chuẩn bị để khi điều kiện cho phép, có thể phục hồi ngay chính sách miễn thị thực nhập cảnh đơn phương cho công dân những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, 9 nước trong khu vực ASEAN... Chính sách này đã tạm ngưng từ tháng 3 năm ngoái để ngăn dịch.

Thêm vào đó, nên tính đến cơ chế phối hợp quốc gia, xây dựng cơ chế phối hợp liên quốc gia trong khu vực và quốc tế trong lĩnh vực du lịch, ngoại giao, giao thông. Việc hợp tác để có các chính sách linh hoạt, kích hoạt nhanh chóng, hiệu quả, có tính đến tác động đến ngành du lịch là cần thiết để hỗ trợ phục hồi du lịch trong điều kiện "bình thường mới”.

Tại diễn đàn, có rất nhiều ý kiến tâm huyết nhằm khôi phục, phát triển du lịch đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, cần phải đổi mới phương thức quản lý và kinh doanh lữ hành trong tình hình mới. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp lữ hành cần quan tâm một số vấn đề như nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp về phát triển bền vững; tăng cường vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong phát triển du lịch cộng đồng; cần thiết chuyển đổi số phù hợp và hiệu quả. Đánh giá điều chỉnh lại chiến lược thị trường, cơ cấu lại thị trường phù hợp với xu hướng, nhu cầu của khách du lịch quốc tế và ưu thế của du lịch Việt Nam, triển khai thực hiện hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế online, hội chợ du lịch ảo. Du lịch nội địa cần tăng cường xúc tiến, đa dạng hóa điểm đến, sản phẩm từng địa phương…

Ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietnam Travelmart  đề xuất 8 giải pháp: Duy trì tốt công tác phòng, chống dịch để giữ gìn điểm đến an toàn; triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục hoạt động kinh doanh; chuẩn bị sẵn kế hoạch kích cầu du lịch theo từng giai đoạn; tổ chức các sự kiện kích cầu du lịch, sự kiện văn hóa du lịch quy mô lớn; tổ chức thí điểm hoạt động phục vụ phát triển kinh tế ban đêm thu hút khách; chuẩn bị các sản phẩm du lịch mới; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá; mở rộng liên kết, hợp tác phát triển.

An Nguyên

Tags: