Chủ tịch UBND Huỳnh Quốc Việt: Cà Mau mạnh dạn chuyển đổi số để phát triển du lịch

14:52 03/12/2023

Cà Mau xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, phấn đấu đến năm 2023 sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với mục tiêu cụ thể là: xây dựng du lịch Cà Mau trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, có uy tín và sức cạnh tranh cao.

Để hiểu rõ hơn về định hướng phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn này,  Doanh nghiệp và Hội nhập đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau:

Được biết, Cà Mau có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, sở hữu 12 di tích Quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh; hơn 40 di sản văn hóa phi vật thể được ghi nhận, 02 Vườn Quốc gia (Mũi Cà Mau, U Minh Hạ) được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển và Khu Ramsa thế giới… Vậy, Cà Mau đã triển khai như thế nào để đẩy mạnh xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau?

Ông Huỳnh Quốc Việt:  Thực hiện Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đến năm 2030 và Quyết định 1062/QĐ-UBND ngày 24/7/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các quy hoạch bảo tồn, phát triển Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau; Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh hạ; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cần thiết cho ngành du lịch vận hành, phát triển phù hợp với xu thế chung của khu vực và cả nước. Đồng thời bảo vệ, tôn tạo tài nguyên môi trường, tài nguyên văn hóa của tỉnh; phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như: di tích lịch sử văn hoá, nghề truyền thống,... gắn với công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. 

Định hướng phát triển sản phẩm du lịch ở Cà Mau tập trung theo hướng khai thác loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là loại hình thế mạnh với nền tảng giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư và đưa vào khai thác các tour, tuyến tham quan du lịch tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ, gồm: chuỗi sản phẩm du lịch gắn với điểm cực Nam, các hoạt động trải nghiệm và các điểm du lịch cộng đồng, các tuyến du lịch xuyên rừng,... Từ đó phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của hai Vườn Quốc gia, thu hút nhiều sự quan tâm của các cơ quan thông tấn, báo chí và khách du lịch trong nước, quốc tế.

Rừng ngập mặn Cà Mau
Rừng ngập mặn Cà Mau.

Để thúc đẩy mời gọi các nhà đầu tư tập trung phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau, tỉnh đã có những chính sách gì để thu hút đầu tư?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Công tác quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển du lịch luôn được tỉnh Cà Mau quan tâm chỉ đạo thực hiện và áp dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư kinh doanh, sản xuất trên một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động du lịch phù hợp với tình hình thực tế. Hằng năm, tỉnh triển khai Chương trình xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình làm du lịch đi khảo sát, học tập kinh nghiệm làm du lịch tại một số địa phương. Thực hiện hỗ trợ pháp lý thành lập doanh nghiệp kinh doanh du lịch; hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khai thác, phát triển du lịch phù hợp với các quy hoạch và định hướng của tỉnh,... Đặc biệt năm 2023, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ các hãng hàng không khai thác đường bay đến Cà Mau, tạo điều kiện phát triển mạng lưới đường bay kết nối Cà Mau với các vùng, miền trong nước, góp phần phát triển ngành du lịch và kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Cảnh sắc kỳ vĩ tại U Minh Hạ
Cảnh sắc kỳ vĩ tại U Minh Hạ.

Thời gian tới, tỉnh Cà Mau tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện và hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư tại các khu, điểm du lịch; đầu tư xây dựng và nâng cấp các tuyến đường giao thông; đầu tư nâng cấp các điểm do nhà nước quản lý và các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật chủ yếu tại các điểm du lịch đang khai thác; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia đầu tư phát triển sản phẩm du lịch địa phương.

Đối với phát triển nguồn nhân lực, tỉnh đã có những chiến lược như thế nào để đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phương án “giữ người” của tỉnh là gì? 

Ông Huỳnh Quốc Việt: Nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng quan trọng, là một trong những yếu tố then chốt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Thời gian qua, tỉnh Cà Mau luôn quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, hội nhập và phát triển của địa phương, thể hiện qua các đề án đào tạo ở nước ngoài, như: Quyết định số 04/2007/QĐ-UBND ngày 30/01/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ sau đại học ở nước ngoài của tỉnh Cà Mau giai đoạn 2006 - 2015 bằng ngân sách địa phương (viết tắt là Đề án Mekong 120 Cà Mau), Quyết định số 2303/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 ban hành Đề án Đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Cà Mau ở nước ngoài giai đoạn 2017 - 2025. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra một trong ba đột phá chiến lược là “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; tập trung đào tạo nguồn nhân lực nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo tính kế thừa, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình số 26-CTr/TU ngày 20/7/2022 về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra 06 nhiệm vụ giải pháp để nâng chất lượng nguồn nhân lực: Tăng cường công tác tuyên truyền, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; Nâng cao chất lượng sức khỏe dân số và nguồn nhân lực; Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, huy động mọi nguồn lực và ban hành cơ chế, chính sách để phát triển nguồn nhân lực; Mở rộng, tăng cường hợp tác; đẩy mạnh xã hội hóa trong đào tạo nguồn nhân lực.

Ngắm bình minh tại cực Nam của Tổ Quốc
Ngắm bình minh tại cực Nam của Tổ quốc.

Hằng năm, tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo sau đại học trong nước, trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cán bộ lãnh đạo, quản lý và các ngành, lĩnh vực then chốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp, chính sách thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng. Từ đó, nguồn nhân lực của tỉnh tăng cả quy mô số lượng và chất lượng, nhất là nguồn nhân lực tại khu vực công; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau khi được đào tạo phát huy tốt năng lực công tác, làm chuyển biến tích cực nền công vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để giữ chân được những cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo từ nước ngoài, tỉnh Cà Mau đã đề ra nhiều phương án linh hoạt trong từng thời điểm và phù hợp với quy định. Kịp thời khen thưởng, biểu dương những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc. Đối với nguồn nhân lực được đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách địa phương, ứng viên cam kết sau khi tốt nghiệp về nước phục vụ cho địa phương ít nhất 60 tháng. Sau khi hoàn thành chương trình học tập, ứng viên được xem xét nguyện vọng để bố trí công việc phù hợp, được cơ quan, đơn vị tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát huy năng lực và sở trường công tác; được ưu tiên trong việc tuyển dụng và được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối nguồn nhân lực chất lượng cao để gặp gỡ giao lưu, hiến kế, góp ý kiến, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo tỉnh. Đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu ban hành các chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng tốt hơn và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Biểu tượng con tôm đặt tại khuôn viên Quảng trường Phan Ngọc Hiển đang hoàn thiện để chào đón Festival Tôm Cà Mau 2023 sẽ diễn ra từ ngày 10 - 13/12/2023.(Ảnh: Cà Mau online)
Biểu tượng con tôm đặt tại khuôn viên Quảng trường Phan Ngọc Hiển đang hoàn thiện để chào đón Festival Tôm Cà Mau 2023 sẽ diễn ra từ ngày 10 - 13/12/2023.(Ảnh: Cà Mau online).

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng phát triển kinh tế số, đối với công tác chuyển đổi số của tỉnh đã đóng góp một vai trò như thế nào nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội trong đó có ngành du lịch của tỉnh Cà Mau?

Ông Huỳnh Quốc Việt:  Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Kinh tế số đóng vai trò rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Đây là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào; sử dụng môi trường số, công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh nhằm tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí sản xuất, góp phần tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế. Điều này đã được xác định và đặt mục tiêu tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình chợ 4.0, thúc đẩy hình thành thói quen về chuyển đổi số trong cộng đồng dân cư.
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình chợ 4.0, thúc đẩy hình thành thói quen về chuyển đổi số trong cộng đồng dân cư.

Tại tỉnh Cà Mau, công tác chuyển đổi số luôn được các cấp, các ngành quan tâm và triển khai thực hiện quyết liệt trong những năm gần đây. Trong đó, kinh tế số được xác định là 01 trong 03 trụ cột chính bao gồm: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.

Trong Đề án Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1929/QĐ-UBND ngày 01/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh đã xác định 06 mục tiêu liên quan đến lĩnh vực Kinh tế để tỉnh phấn đấu nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia vào mô hình kinh doanh mới, môi trường mới đó là môi trường số, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị dựa trên các công nghệ số. Đồng thời, giúp tăng cường hiệu suất và tạo ra sự tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, kết nối khách hàng, doanh nghiệp và chính phủ trên toàn thế giới thông qua môi trường internet; tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thị trường và xuất khẩu cũng như hợp tác quốc tế, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, du lịch là một trong những lĩnh vực được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển. Thời gian qua, Cà Mau đã triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch như: đầu tư nâng cấp phần mềm ứng dụng và Trang thông tin du lịch tỉnh Cà Mau, trong đó bổ sung các tính năng trợ lý ảo; số hóa các điểm tham quan du lịch tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến. Theo số liệu thống kê, Trang thông tin du lịch tỉnh Cà Mau có hơn 81.000 lượt truy cập; cung cấp hơn 90% các thông tin cơ bản giới thiệu về địa danh, khu, điểm du lịch; nhà hàng, khách sạn. Có 120 đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó trên 75% đơn vị đã ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá sản phẩm, dịch vụ.

Ngoài ra, trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023 (Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 04/4/2023 của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số) đã phân công nhiệm vụ trọng tâm cho tỉnh Cà Mau tiên phong trong việc tổ chức triển khai, chỉ đạo triển khai các nền tảng số, chuyển đổi số phục vụ trong ngành du lịch. Đây là cơ sở vững chắc để tỉnh Cà Mau mạnh dạn đầu tư, phát triển du lịch trong điều kiện hội nhập, chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Uyển Nhi (thực hiện)