Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó đang trong giai đoạn khẩn trương bắt tay vào khôi phục và phát triển kinh tế sau 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Hàng loạt vấn đề mới mẻ lúc đó được đặt ra trong phát triển kinh tế cần được thống nhất trong nhận thức, đoàn kết trong đội ngũ.
Những yêu cầu trọng yếu đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên tại nhiều diễn đàn và hội nghị quan trọng lúc đó - mà một trong những diễn đàn đó là Đại hội Chiến sĩ thi đua ngành thương nghiệp lần thứ nhất tổ chức từ ngày 31/5 đến ngày 5/6/1956, tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 354 đại biểu là Chiến sĩ thi đua và đại diện cho các đơn vị tiên tiến thuộc ngành thương nghiệp cả nước.
Bác Hồ luôn quan tâm đến hoạt động của ngành Công Thương |
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tại Đại hội: “Tiền đồ của mỗi người nằm trong tiền đồ của cách mạng, của dân tộc”. Người đặt ra yêu cầu cán bộ, nhân viên ngành thương nghiệp cả nước phải “hai đoàn kết”: Đoàn kết nội bộ và đoàn kết với nhân dân. Phân tích sâu hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, phải đoàn kết cho chặt chẽ bởi “nếu chỉ đoàn kết nội bộ mà không đoàn kết với nhân dân thì không làm được việc”.
Đặc biệt tại Đại hội này, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đề cập trực diện đến vị trí, vai trò của thương nghiệp trong nền kinh tế quốc dân cũng như mối quan hệ với nông nghiệp và công nghiệp. Theo Người, trong nền kinh tế quốc dân có ba mặt quan trọng: Nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp và có quan hệ mật thiết với nhau.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thương nghiệp là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp. Thương nghiệp đưa hàng đến nông thôn phục vụ nông dân, thương nghiệp lại đưa nông sản, nguyên liệu cho thành thị tiêu dùng. Tầm quan trọng của thương nghiệp được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ hơn, nếu khâu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp, không củng cố được công - nông liên minh. “Công tác thương nghiệp không chạy thì hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị rời rạc”- Người nói.
Cùng với việc yêu cầu phát huy vai trò, vị thế của thương nghiệp trong nền kinh tế cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu hết sức cụ thể với một số hoạt động trọng yếu của thương nghiệp khi Người yêu cầu cần quản lý chặt chẽ thị trường, chống đầu cơ tích trữ, bình ổn vật giá phục vụ nhân dân.
Có thể nói, những tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫu được Người nêu lên cách đây hơn 6 thập kỷ nhưng soi vào bối cảnh phát triển hôm nay vẫn vẹn nguyên giá trị tinh thần và thực tiễn. Đặc biệt, ở đây có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra yếu tố quan trọng trong phát triển là gắn phát triển của cá nhân với phát triển đất nước; các yếu tố của nền kinh tế mang bản sắc Việt Nam phải được phát triển đồng bộ. Cùng với đó, phát triển phải đi đôi với quản lý, nhất là các khâu gắn trực tiếp với đời sống nhân dân cần luôn được quan tâm thường trực.
Kế thừa những tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn chú trọng xây dựng tổ chức, đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của hội nhập và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình phát triển. Luôn nhạy bén, chủ động bám sát thực tiễn cuộc sống để ban hành các chính sách tạo thuận lợi, khai thác lực lượng sản xuất trong phát triển thương mại, công nghiệp cũng như góp phần phát huy lợi thế so sánh của một nước nông nghiệp như Việt Nam.
Quang Lộc