Chờ đợi nhiều chính sách ưu việt hơn năm 2021 cho thị trường ô tô

10:01 26/12/2020

Dự báo về năm 2021, thị trường ô tô sẽ rất khó đoán định từ nhiều yếu tố.

Do đại dịch COVID-19, lần đầu tiên trong lịch sử, các hãng xe BMW, Audi, Honda ở Việt Nam… đã ra mắt xe mới dưới hình thức trực tuyến. Đặc biệt, sân chơi lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chính là triển lãm ô tô thường niên vào tháng 10 (Vietnam Motor Show) được các hãng lựa chọn để ra mắt xe mới nhưng đã bị hủy sau 15 năm liền tổ chức.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách VAMA nhận định, thị trường rất khó đoán định khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ kết thúc sẽ khó kích cầu thị trường, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước như hiện nay, các doanh nghiệp và người lao động tiếp tục thắt chặt chi tiêu.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc An - doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ô tô cho rằng, năm 2021 nếu thị trường ô tô vẫn trầm lắng, để duy trì doanh số bán hàng, rất có thể nhiều hãng xe vẫn tiếp tục có chính sách ưu đãi riêng cho khách hàng.

Điều này cũng vừa được VinFast công bố, trước việc cung không đủ cầu của mẫu xe Fadil, hãng tiếp tục gia hạn ưu đãi “Trước bạ 0 đồng” cho những xe Fadil đặt cọc trong năm 2020 nhưng nhận xe trong năm 2021. Hay, chính sách đổi cũ lấy mới các mẫu xe VinFast Lux SA2.0, Lux A2.0 và Fadil, VinFast cũng tặng 50 triệu, 30 triệu và 10 triệu đồng tương ứng với các mẫu xe này cũng góp phần thúc đẩy doanh số bán xe mới của doanh nghiệp. 

VINFAST cũng là một doanh nghiệp ô tô có nhiều lợi thế trong năm 2021.
VINFAST cũng là một doanh nghiệp ô tô có nhiều lợi thế trong năm 2021. 

Liên quan đến thị trường và giá xe, ông Hiếu cũng cho rằng, hiện có đến 80% linh kiện cho sản xuất xe ô tô phải nhập khẩu dẫn đến chi phí sản xuất trong nước cao hơn các nước trong khu vực từ 10-20% do sản lượng thấp, làm giảm tính cạnh tranh của xe, trong khi nhập khẩu xe nguyên chiếc ở khu vực về chỉ chiếm 5% chi phí xe.

Để khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, qua đó nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành ô tô, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công các sản phẩm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô.

Đặc biệt, với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), ô tô nhập khẩu từ châu Âu đang chịu thuế suất 70%, Việt Nam cắt giảm thuế nhập nhập khẩu ô tô từ EU bình quân khoảng 7% và sau 10 năm thuế sẽ về 0%, nhiều người cho rằng người tiêu dùng trong nước có thể mua xe châu Âu với chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia Vĩnh Nam, với tỷ lệ giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định EVFTA giá xe nhập khẩu về giảm ngay cũng không nhiều do lộ trình kéo dài và thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với ô tô nhập khẩu được tính trên giá bán của nhà nhập khẩu (tức là tính trên cả lợi nhuận của doanh nghiệp).

Điều chuyên gia Vĩnh Nam nói không phải không có lý khi Việt Nam ký Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (AFTA), từ đầu năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm về 0%, giới chuyên môn dự kiến giá xe sẽ giảm từ 20 - 25%, nhưng thực tế giá xe đã không giảm như vậy. Các doanh nghiệp như Toyota, Honda, Ford... có lượng xe nhập khẩu chủ lực từ ASEAN đều lý giải do phải điều chỉnh chi phí, bán lỗ trước đó hay bổ sung các trang thiết bị cho xe mới.

Về lý thuyết, kỷ nguyên xe hơi giá đắt đỏ ở Việt Nam sẽ không còn nữa, thay vào đó là mức giá phù hợp, cạnh tranh và theo đúng thu nhập của người dân. Chỉ cần giảm giá, chú trọng chất lượng, lắng nghe thị hiếu người tiêu dùng và đi theo xu hướng phát triển công nghệ xe mới của thế giới, các hãng xe Việt có thể sẽ lấy được niềm tin người tiêu dùng và sự cạnh tranh đối với các hãng xe lớn hàng đầu thế giới khi Việt Nam rộng cửa với xe nhập.

Đức Anh