Châu Á trở thành "món quà Giáng sinh" đối với các nhà đầu tư toàn cầu

07:40 09/12/2020

Nhà đầu tư toàn cầu tiếp tục đổ tiền vào các thị trường ở châu Á, bởi khu vực này không phải chi quá nhiều tiền để duy trì sự ổn định của nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg

Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg.

Dù là cổ phiếu, trái phiếu hay hầu như bất kỳ loại tài sản nào khác, tiền mặt từ các nhà đầu tư nước ngoài đang đổ vào châu Á vì họ tin rằng đây sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất khi thế giới phục hồi sau đại dịch coronavirus.

Chỉ số MSCI Asia Pacific đã chạm mức cao kỷ lục vào tuần trước và chỉ số theo dõi trái phiếu của Bloomberg Barclays cũng gần với mức cao nhất trong 4 năm.

Theo Khoon Goh – trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Australia và New Zealand cho rằng, những diễn biến tích cực sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tiến triển của các loại vắc-xin, thanh khoản dồi dào và "nhịp tăng trưởng đang cải thiện" tại châu Á là những nhân tố thúc đẩy sự tăng giá tài sản ở khu vực này.

“Chúng tôi kỳ vọng tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát, tăng trưởng toàn cầu được cải thiện và thanh khoản dồi dào sẽ thúc đẩy dòng vốn chảy vào khu vực này nhiều hơn nữa”, Goh viết trong một ghi chú hôm thứ Ba. “Chúng tôi kỳ vọng dòng vốn sẽ được duy trì mạnh mẽ trong suốt năm 2021. Điều này sẽ hỗ trợ thị trường tài sản của châu Á".

Diễn biến chỉ số chứng khoán MSCI châu Á-Thái Bình Dương (màu đen) và chỉ số trái phiếu châu Á-Thái Bình Dương Bloomberg Barclays (màu đỏ) trong 1 năm trở lại đây - Nguồn: Bloomberg.

Theo Bloomberg, tuần trước, nhà đầu tư đã rót tiền vào các quỹ ETF theo dõi thị trường mới nổi với số lượng lớn nhất kể từ tháng 1, trong đó chủ yếu tập trung vào các thị trường châu Á. Các quỹ của Trung Quốc và Hồng Kông ghi nhận nhu cầu lớn nhất, các quỹ ETF của Hàn Quốc cũng đón nhận dòng vốn vào kỷ lục. Trong khi đó, không quốc gia nào ghi nhận dòng vốn bị rút ra.

Mối quan tâm về châu Á cũng đang tăng lên.  Lượng trái phiếu Trung Quốc mà các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đã tăng lên mức kỷ lục 1,79 nghìn tỷ Nhân dân tệ (274 tỷ USD) và các quỹ toàn cầu đã mua hơn 2,5 tỷ USD trái phiếu chính phủ Indonesia có lợi suất cao trong quý này, nhiều nhất kể từ tháng 9/2019.

Tuy vậy, một số chiến lược ra cảnh báo rằng dòng vốn chảy vào thị trường trái phiếu châu Á có thể chậm lại khi hiệu ứng của việc Trung Quốc được đưa vào hai chỉ số chứng khoán toàn cầu giảm dần.

"Nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài có thể giảm xuống trong tháng 12 và vào đầu năm 2021, khi việc Trung Quốc được đưa vào hai chỉ số chính hoàn tất. Ngoài ra, dòng vốn ngoại chảy vào các thị trường khác cũng đang có dấu hiệu chậm lại", một báo cáo của Barclays nhận định.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, sự hưng phấn của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường châu Á có vẻ đã lan sang cả thị trường phái sinh. Chiến lược gia Mandy Xu của Credit Suisse lưu ý dòng vốn chảy mạnh vào thị trường quyền chọn mua (call option) chứng khoán châu Á.

Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - là một phần lớn tạo nên sức hút của châu Á. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng vào tháng mạnh nhất kể từ đầu năm 2018, đẩy thặng dư thương mại lên mức cao kỷ lục hàng tháng.

Nhập khẩu cũng tăng mạnh do nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy ở nước này. Nhờ đó, giá quặng sắt giao sau tại Singapore đạt mức cao kỷ lục gần đây.

Sean Taylor, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương của DWS Group cho biết: "Một lý do tại sao chúng tôi cho rằng thị trường châu Á có điều kiện rất tốt, đặc biệt là Bắc Á, bởi khu vực này phải chi ít tiền hơn nhằm duy trì sự ổn định của nền kinh tế. Các quốc gia khác phải vay nợ nhiều, và sự gia tăng nợ nần đó sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế".

Bảo Bảo (Theo Bloomberg)