Cách hệ sinh thái khép kín của Shopee hoạt động tại Việt Nam

17:02 08/04/2024

Để đối phó với sự cạnh tranh khốc liệt từ các sàn thương mại điện tử, Shopee không chỉ tăng cường các hoạt động bán hàng trực tuyến mà còn tìm cách nâng cao trải nghiệm để thu hút khách hàng.

Ảnh minh họa
 Hệ sinh thái Shopee đang dần hoàn thiện với đa dạng thêm mảng tài chính số. Ảnh: Vinalink

Theo báo cáo thị trường F&B mới được công bố, ShopeeFood hiện đang là kênh bán hàng đồ ăn trực tuyến phổ biến nhất tại Việt Nam, chiếm tỷ lệ 42,94% doanh nghiệp sử dụng. Về phía người tiêu dùng, gần 50% người được hỏi cho biế,t họ sẽ lựa chọn ShopeeFood để đặt đồ ăn nếu tất cả các nền tảng khác không có chương trình khuyến mãi.

Báo cáo cũng cho biết rằng, ShopeeFood cung cấp 41% tổng doanh thu cho các cửa hàng kinh doanh thực phẩm. Hiện ShopeeFood đã hoạt động tại 22 địa phương trên toàn quốc. Nền tảng này đã chính thức ra mắt vào năm 2021 sau khi SEA - công ty mẹ của Shopee có trụ sở tại Singapore thâu tóm ứng dụng giao đồ ăn Now của Việt Nam.

Ngoài ShopeeFood, SEA còn vận hành ví điện tử ShopeePay ở Việt Nam. Hiện nay, mọi giao dịch thanh toán trên Shopee và ShopeeFood đều được thực hiện qua ShopeePay, tạo ra một hệ sinh thái khép kín của SEA tại Việt Nam.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, SEA đã cho ra mắt dịch vụ mua trước, trả sau với tên gọi là ShopeePayLater và dịch vụ cho vay có tên là SEasy. Đối với người dùng, ShopeePayLater cung cấp hạn mức chi tiêu trước và hoàn trả sau đó, trong khi SEasy giúp người bán đảm bảo dòng tiền liền mạch và mở rộng kinh doanh trên nền tảng. Chiến lược này đã giúp Shopee trở thành động lực tăng trưởng chính cho SEA, vượt qua mảng kiếm tiền truyền thống là game. Tỷ trọng đóng góp doanh thu của Shopee trong tập đoàn SEA đã tăng từ 38% năm 2019 lên 69% năm 2023.

Hiện tại, Shopee đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ TikTok Shop, đặc biệt sau khi TikTok Shop đầu tư 1,5 tỷ USD để tiếp quản Tokopedia ở Indonesia. Để đối phó với vấn đề này, Shopee tập trung vào việc tăng cường hoạt động livestream bán hàng và cải thiện trải nghiệm mua sắm. Ví dụ điển hình là việc cho phép khách hàng hoàn trả sản phẩm sau 15 ngày và miễn phí vận chuyển, một chính sách mới được áp dụng từ đầu tháng 3 tại Việt Nam.

H.C (t/h)