Trước tình trạng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh hình ảnh (một dạng trí tuệ nhân tạo có khả năng sáng tạo ra hình ảnh dựa trên gợi ý của người sử dụng) ngày càng được nâng cấp, những nhà sáng tạo nghệ thuật đã và đang thực hiện nhiều cách thức nhằm bảo vệ tác phẩm của bản thân khỏi bị “đánh cắp”: Từ kiện cáo, kiến nghị sửa đổi luật công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cho đến việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ nhằm bảo vệ tác phẩm khỏi bị xâm phạm và mô phỏng lại mà không có sự đồng ý của tác giả.
Là phần mềm được tạo ra bởi các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Chicago, Glaze và một phần mềm khác là Nightshade, có khả năng âm thầm làm hỏng cấu trúc mã hóa của những tác phẩm nghệ thuật được đăng trên mạng giúp “đánh lừa” trí tuệ nhân tạo trong khi người bình thường vẫn nhìn thấy tác phẩm đó. Nếu Glaze thay đổi hình ảnh một cách tinh tế để AI bị nhầm lẫn với một dạng nghệ thuật khác thì Nightshade trực tiếp khiến cho công cụ đào tạo AI bị nhầm lẫn về nội dung của hình ảnh.
Các nhà nghiên cứu của trường đại học cho biết, ý tưởng này nhằm cung cấp giải pháp về kỹ thuật cho những người sáng tạo nội dung, giúp họ ngăn chặn việc sử dụng các công cụ AI làm việc xấu, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sáng tạo. Họ cũng cho biết, công cụ của họ giống như một người bảo vệ hơn là một giải pháp toàn diện, bởi trong khi các công ty công nghệ lớn trong nước có thể bị ràng buộc trước pháp luật và bắt buộc phải điều chỉnh chính sách thì những cá nhân/tổ chức nước ngoài sử dụng AI chưa chắc đã tuân thủ theo điều này. Trong trường hợp đó, những phần mềm đánh lừa AI lại trở nên hữu dụng.
Shawn Shan, một trong những sinh viên chính thuộc nhóm nghiên cứu Glaze và Nightshade cho biết: “Các văn bản pháp luật, các cuộc đình công đều cần thiết và có tác động lâu dài nhằm thay đổi tình cảnh hiện tại, tuy nhiên tôi nghĩ Glaze và Nightshade sẽ là đòn bẩy tích cực hơn”.
Karla Ortiz, họa sĩ đầu tiên sử dụng Glaze một cách công khai cho rằng, sự giao thoa giữa nghệ thuật và AI “phụ thuộc vào sự đồng thuận của tất cả các bên”.
“Tôi thấy cực kỳ bất công khi dành cả đời để luyện tập, để học cách làm ra những sản phẩm giúp chúng ta có thể tự hào gọi mình là những nghệ sĩ xong tự nhiên xuất hiện ai đó bắt chước mình rồi bảo “Thật ra cái này là bọn tôi làm””, cô bức xúc. “Những người làm nghệ thuật đều phải có cách để tồn tại trên không gian mạng”.
Ortiz là một trong ba họa sĩ tìm cách nhằm bảo vệ quyền tác giả và công việc của mình bằng cách kiện những người làm ra công cụ AI tạo sinh hình ảnh. Vụ kiện này nhắm đến Stability AI, một công ty có trụ sở tại London đồng thời là bên sở hữu AI tạo sinh hình ảnh trên cơ sở từ ngữ có tên Stable Diffusion. Các họa sĩ đưa ra lập luận rằng, các AI tạo sinh hình ảnh đang vi phạm quyền tác giả của hàng triệu họa sĩ trên khắp thế giới bằng việc hấp thụ hàng trăm nghìn tác phẩm được số hóa và tạo ra những tác phẩm phái sinh có khả năng cạnh tranh trực tiếp với tác phẩm gốc.
Với tư cách là một họa sĩ minh họa và lên ý tưởng có thâm niên nhiều năm trong ngành giải trí, từng thực hiện các bộ phim lớn như “Rogue One: Ngoại truyện Chiến tranh giữa các vì sao” và “Doctor Strange”, cô cho rằng, những phần mềm như Glaze là yếu tố then chốt giúp bảo vệ quyền lợi của các nghệ sĩ.
“Bên ủng hộ công nghệ cho rằng “họ sở hữu tất cả những gì thuộc về bạn nhưng chính bạn không có quyền được lên tiếng về việc họ dùng tác phẩm của bạn” khiến tôi cảm thấy kinh tởm”, Ortiz nói, “những kẻ sử dụng công nghệ tin những gì bạn đăng tải công khai trên mạng sẽ là của họ. Và họ sẽ cạnh tranh với bạn trên thị trường. Họ cũng sẽ cướp đi miếng cơm manh áo của bạn, đây cũng chính xác là những gì đang diễn ra”.
Các chuyên gia cho biết, những công cụ phòng chống AI cung cấp cho các nghệ sĩ sự bảo vệ bằng cách khiến những người sử dụng AI gặp khó khăn trong việc tạo ra các tác phẩm na ná tác phẩm gốc, nhưng điều này không giải quyết hoàn toàn được vấn đề. Khi những mô hình AI tiến hóa, việc ngăn chặn chúng sẽ trở nên khó khăn hơn.
“Khi trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên mạnh mẽ, những công cụ chống lại chúng sẽ ngày càng yếu đi”, Jinghui Chen, một Phó Giáo sư tại Đại học Bang Pennsylvania cho biết. “Nhưng tôi nhận ra điều đó ngay từ bước đầu rồi”.
Là một trong những đồng tác giả tiến hành nghiên cứu hiệu quả của các phần mềm kháng trí tuệ nhân tạo như Glaze, Chen cho biết, việc nhận thức được điều này là vô cùng quan trọng trên con đường tìm ra phương thức cải thiện các công cụ kháng AI.
Shan, một nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago, cũng cho rằng khả năng của các công cụ kháng AI “vẫn còn xa so với nhu cầu trong tương lai”.
“Tuy nhiên đây cũng là tình trạng chung đối với đa số các phần mềm bảo vệ chúng ta thấy trong thời đại số hóa hiện tại”, anh cho biết. “Ví dụ như tường lửa, chúng không hề hoàn hảo. Có vô số các cách thức để vượt tường lửa, nhưng đa số người dùng vẫn dùng nó để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Điều này cũng tương tự như Glaze và Nightshade thôi”.
Anh cũng nói thêm rằng “những nhà sáng tạo nghệ thuật không nên mù quáng tin tưởng rằng mọi vấn đề của họ sẽ được giải quyết bằng những công cụ này”.
Phương Linh