Các doanh nghiệp ở trung tâm thành phố lớn trên thế giới đương đầu với thực tế mới

10:41 14/09/2021

Nhiều doanh nghiệp tại các khu trung tâm của Hoa Kỳ đã từng cho rằng lượng lớn các văn phòng và dân công sở gần đó sẽ cung cấp nguồn khách hàng ổn định và liên tục. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến các tòa nhà buộc phải đóng cửa khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, một số người nỗ lực thích nghi, số khác cố gắng bám trụ, tất nhiên cũng có những doanh nghiệp “một đi không trở lại”.

Trước ảnh hưởng của đại dịch, nhiều doanh nghiệp phải thích nghi hoặc đóng cửa
Trước ảnh hưởng của đại dịch, nhiều doanh nghiệp phải thích nghi hoặc đóng cửa. (Ảnh: internet)

Những người “sống sót” buộc phải tìm đến các chiến lược mới nhằm tăng doanh số như bán hàng online, thay đổi giờ làm việc,... Cho đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp mong chờ sự trở lại trong tháng này nhưng trong bối cảnh nhiều văn phòng hoãn kế hoạch cho nhân viên đi làm trở lại do số ca mắc tăng cao, các chủ kinh doanh ở trung tâm thành phố tính đến cần thích nghi với thực tế mới.

Tại trung tâm thành phố Detroit, công ty vệ sinh đường phố Clifford của Mike Frank sắp cạn kiệt tài chính. Trước đại dịch, Clifford có thể mang về cho Mike doanh thu hàng tháng là khoảng 11.000 đô la, nhưng đến tháng 12 năm ngoái, khi nhiều văn phòng ở trung tâm thành phố phải đóng cửa, doanh thu đã giảm xuống còn 1.800 đô la. Frank phải vay tiền vợ để trả các hóa đơn. Nhưng, thay vì ngừng hoạt động, Frank đã thích nghi.

Anh đã chuyển đổi một phần công ty thành một khu chợ nhỏ bày bán kem đánh răng, bột giặt, dầu gội đầu, nước đóng chai, nước ngọt và các mặt hàng thiết yếu khác, thậm chí là đi giao đồ giặt là. Cuối cùng, khi dần có nhiều người Mỹ trở lại trên tuyến đường, sự kết hợp giữa bán lẻ và kinh doanh giặt là đã cải thiện doanh thu lên tới 4.100 đô la mỗi tháng, đủ để giúp doanh nghiệp trụ lại trong mùa dịch.

Tại Lower Manhattan, 224 doanh nghiệp đã đóng cửa vào năm 2020 và 2021 và chỉ có khoảng 100 công ty trong số này mở cửa trở lại. Jessica Lappin, chủ tịch của Alliance for Downtown New York, cho biết: “...Chúng tôi nhớ nhân công của mình. Không ai nhớ họ hơn các doanh nghiệp địa phương”. Lappin dự đoán nhân viên văn phòng sẽ trở lại, nhưng có thể là hai hoặc ba ngày một tuần, vào các ngày khác nhau hoặc theo ca và doanh nghiệp kinh doanh phải điều chỉnh theo xu hướng mới.

Cách Phố Wall một dãy nhà, Blue Park Kitchen từng ghi nhận những hàng dài chờ xếp hàng để mua ngũ cốc nhưng giờ thì hoàn toàn khác. Các đơn đặt hàng trực tuyến hiện chiếm 65% hoạt động kinh doanh nhưng dần cũng ít lợi nhuận hơn do nhiều ứng dụng bị cắt giảm.

Gần đó, Aankit Malhotra tiếp quản nhà hàng Ấn Độ Benares cùng với anh trai của mình vào năm 2019. Khi đại dịch ập đến, chỉ trong một đêm, nhóm khách hàng cốt lõi đã biến mất. Không còn ai nhớ đến những bữa trưa từng chiếm đến 95% hoạt động kinh doanh của nhà hàng. Thời gian này, Benares có khoảng 10 đơn đặt hàng ăn trưa mỗi ngày, giảm mạnh so với con số 100 ngày trước. Tệp khách hàng cũng thay đổi, đánh vào thị hiếu người trẻ và các gia đình từ thành phố Battery Park lân cận. Jorge Guzman, trợ lý giáo sư quản lý kinh doanh tại Đại học Columbia, chỉ ra sự dịch chuyển hoạt động kinh tế ra khỏi các khu vực trung tâm có thể sẽ kéo dài. Không khó để nhận thấy sự bùng nổ tinh thần kinh doanh ở các khu vực ngoài trung tâm như Jamaica, Queens và South Bronx.

Tương tự tại London, Anh, khối nhân viên văn phòng đã dần dần trở lại làm việc kể từ khi chính phủ dỡ bỏ các hạn chế vào ngày 19 tháng 7. Vương quốc Anh đã chứng kiến ​​mức cao nhất của các trường hợp Delta vào tháng bảy, nhưng con số đã giảm mạnh trong khoảng hai tuần. Số lượng người đi làm không bằng trước đại dịch, khiến các doanh nghiệp nhỏ ở khu tài chính Trung tâm Luân Đôn gặp nhiều khó khăn. Rado Asatrian, thợ cắt tóc lâu năm ở khu Man-oj thường có đến 10 đến 15 khách hàng mỗi ngày trước Covid nhưng bây giờ con số này giảm xuống còn ba hoặc bốn. Anh đang cân nhắc chuyển địa điểm đông đúc hơn hay đổi nghề hoặc ra nước ngoài.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những mặt tích cực. Tại một số vùng trung tâm, khách du lịch trở lại đã tạo động lực cho các doanh nghiệp. Các cửa hàng bán đồ ăn như Atlanta, Kwan’s Deli và Korean Food tuy mất khoảng 80% doanh thu trong dịch bệnh nhưng đã nhanh chóng phục hồi nhờ lượng khách du lịch đến thủy cung Georgia và các sự kiện tại hội trường gần đó.

Tại Nashville, Lyle Richardson, giám đốc điều hành của nhà điều hành nhà hàng A Marshall Hospitality, cho biết ông đã chứng kiến ​​ngành công nghiệp nhà hàng của thành phố bị tàn phá bởi dịch bệnh. Là thành viên hội đồng quản trị của hiệp hội khách sạn Tennessee, Lyle ước tính hàng trăm nhà hàng đã phải đóng cửa. Về phần mình, Richardson đã ngừng phục vụ bữa trưa tại nhà hàng Deacon’s New South để tập trung phục vụ bữa tối. Đồng thời ông kinh doanh song song một nhà hàng khác tên là Puckett’s Grocery & Restaurant, mở cửa từ 7 giờ sáng đến 11 giờ tối, thu hút khách du lịch đổ về thành phố. Ông chia sẻ: “Những điều bình thường trước Covid không còn tồn tại nữa. Chúng tôi phải chuẩn bị để thích nghi”.

TL