Đại diện phía Nhật Bản có các tập đoàn lớn như Senko, Brain Works, Mizudori General…; phía Việt Nam có Tập đoàn Đồng Tâm và một số công ty liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, logistic… tại Cần Thơ, Hậu Giang.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Phương Lam – Giám Đốc VCCI Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: ĐBSCL với dân số 20 triệu người, là vùng trọng điểm phát triển lúa gạo, nông hải sản, nhu cầu về giao thông vận tải và logistics rất lớn tại đây. Mặc dù Chính phủ đang có nhiều động thái đầu tư vào đây nhưng các tỉnh thành khu vực ĐBSCL cũng có nhu cầu cần kêu gọi các nhà đầu tư vào giao thông, vận tải, kho lạnh, cầu cảng. Nhật Bản đang là nhà đầu tư nước ngoài vào ĐBSCL đứng thứ hai và đứng thứ ba tại Việt Nam. Hiện nay, Nhật Bản cũng quan tâm nhiều đến vùng ĐBSCL.
Ông Yasushia Fukuda – Chủ tịch, TGĐ Tập đoàn Senko phát biểu tại sự kiện: Chúng tôi đang tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại đây. Là một tập đoàn đa ngành, xây dựng, thương mại điện tử, hóa chất, logicstic, dịch vụ, bán lẻ… có nhà máy tại phía Bắc, với số lượng nhân viên trên toàn thế giới hơn 23.000 người và có văn phòng tại hơn 20 quốc gia. Tập đoàn Senko mong muốn được hợp tác với các địa phương ĐBSCL.
Ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch Đồng Tâm Group chia sẻ: Tôi luôn tin tưởng đây là vùng đất tiềm năng và sẽ đến đây đầu tư. ĐBSCL chiếm 12% diện tích và 18% dân số của cả nước. Là trung tâm sản xuất gạo lúa, thủy sản, cung cấp 60% về thủy hải sản, 90% về lúa gạo. 70% lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của vùng ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng ở TPHCM. Việc này làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa, đồng thời tạo áp lực lên giao thông đường bộ. Tuy nhiên, hệ thống giao thông liên vùng chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế.
Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu tiền khả thi những vùng có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển về cầu cảng. Và Trần Đề Sóc Trăng đã được Bộ Giao thông lựa chọn để đầu tư. Theo quy hoạch, diện tích cảng biển nước sâu Trần Đề khoảng 550ha, với cầu cảng vượt biển dài khoảng 18km. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container tải trọng 100.000 tấn trọng hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 tấn trọng lượng.
Ông Ngô Thanh Toàn – PGĐ Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Sóc Trăng đã chia sẻ về tiềm năng của cảng Trần Đề đến với các doanh nghiệp Nhật Bản: Về đường giao thông xung quanh cảng cũng như kết nối cảng với các địa phương khác nhà nước sẽ đầu tư, riêng phần nội bộ cảng sẽ xã hội hóa, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đến tham gia đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi như: áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo và được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định.
Trong buổi kết nối, các doanh nghiệp Nhật Bản như: Công ty nuôi trồng nấm, xây dựng mô hình nhà ở lắp ghép bằng gỗ và bằng bạt đã giới thiệu các công nghệ mới và cơ hội kinh doanh hợp tác với các công ty Việt Nam.
Thu Hiền – Phước Lập