Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra một quầy hàng tại chợ Bến Thành |
Đây là thời điểm tập trung nhiều mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết như bánh kẹo, mứt, miến, gạo, bún tươi, lạp xưởng, tôm khô, rượu bia và nước ngọt…
Đoàn kiểm tra liên ngành đã tập trung kiểm tra quy trình sản xuất cũng như lấy mẫu xét nghiệm các mặt hàng tại Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Bình Thạnh), Công ty CP Thực phẩm Bình Tây (Quận 7), chợ Bến Thành (Quận 1) và có buổi làm việc với UBND TP.HCM.
Tại Vissan, đoàn đã đi thăm quan, kiểm tra dây chuyền sản xuất xúc xích, chả lụa cũng như lấy mẫu. Đây là công ty chuyên cung cấp các thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến cho thị trường cả nước.
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vissan kiến nghị, Bộ Y tế cần xem xét các quy định về sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và chế biến các mặt hàng thực phẩm.
Tại Công ty CP Thực phẩm Bình Tây, đoàn đã kiểm tra dây chuyền sản xuất mì Lá Bồ Đề, bún tươi, phở khô. Sau đó, đoàn kiểm tra đến kiểm tra và lấy mẫu tại chợ Bến Thành.
Qua đó, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm vi sinh, chất bảo quản trên các thực phẩm như tôm khô, mực khô, hạt sen, mứt, giò chả…
Ông Lê Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cho biết: “Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM luôn được Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND TP quan tâm chỉ đạo sát sao.
Thông qua việc xây dựng “chuỗi thực phẩm an toàn” và đề án “mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm”, thành phố đã thiết lập hệ thống quản lý giám sát sản phẩm xuyên suốt từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng. Dịp Tết Nguyên đán sắp đến, Ban đang tích cực triển khai cho đợt cao điểm đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao nỗ lực trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của các đơn vị cũng như của các sở ban ngành trên địa bàn TP.HCM.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người dân thành phố trong dịp Tết, các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương và các sở ban ngành, Thành phố cần tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện kịp thời và ngăn chặn thực phẩm giả, thực phẩm trôi nổi, kém chất lượng, không để tình trạng ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu xảy ra.
Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, bởi đây chính là các nhà sản xuất, họ phải là người hiểu rõ về vấn đề dư lượng kháng sinh, phân bón.
Đối với chợ đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ, Bộ trưởng cũng yêu cầu Thành phố cần tập huấn cho họ hiểu về những quy định dán nhãn, xuất xứ.
“Trong dịp Tết, đoàn kiểm tra liên ngành cần tăng cường kiểm tra lấy mẫu các mặt hàng tươi sống, tôm khô, giò chả, bún… để kiểm tra xem có sai phạm so với tiêu chuẩn chất lượng tự công bố hay không. Nếu sai phạm sẽ xử lý nghiêm đối với các sai phạm này. Và phải công bố những đơn vị sản xuất không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, công khai để người dân biết và tránh.
Đối với người tiêu dùng, khi lựa chọn thực phẩm, nên lựa chọn những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ, có nhãn mác đầy đủ.
Hiện nay các bộ ngành và Chính phủ đã có những quy định về quản lý thực phẩm an toàn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, qua đó doanh nghiệp cũng phải xác định được trách nhiệm của mình trong kinh doanh thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo lòng tin đối với người tiêu dùng”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
An Nhiên