Với vai trò là bệnh viện đầu ngành về Nhi khoa của tỉnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa từng bước nâng tầm chất lượng, xây dựng thương hiệu bệnh viện. Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khám và chữa bệnh, trang thiết bị, máy móc, thiết bị y tế, khuôn viên cảnh quan môi trường khang trang, hiện đại; thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được quan tâm, đặt lên hàng đầu.
Những năm gần đây Bệnh viện Nhi tiếp tục gửi đi đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn, lý luận chính trị và quản lý Nhà nước; trong đó đã cử nhiều bác sĩ đi đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ. Đến nay, trong tổng số 901 cán bộ, viên chức và người lao động của bệnh viện, có 11 tiến sĩ, chuyên khoa cấp II; 76 thạc sĩ, chuyên khoa cấp I; 94 bác sĩ...
Bên cạnh đó, bệnh viện đã tổ chức ký cam kết thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Những năm qua Bệnh viện đều đạt và vượt kế hoạch Sở Y tế giao: Bệnh viện đã triển khai hiệu quả một số kỹ thuật mới, hiện đại trong chẩn đoán và điều trị như can thiệp tim mạch điều trị thông liên thất, thông liên nhĩ, hẹp van động mạch phổi, chụp mạch chi, tiêm xơ điều trị u máu trên hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA... Bệnh viện còn triển khai thêm một số kỹ thuật mới, hiện đại trong chẩn đoán và điều trị như: Chẩn đoán HP bằng ureatest và giải phẫu bệnh; trật khớp háng bẩm sinh; thay máu vàng da bằng phương pháp tự động; các kỹ thuật trong chụp cộng hưởng từ (MRI); phẫu thuật lõm xương ức; đo thính lực; ghép xương hàm, xương ổ răng cho điều trị bệnh nhân dị tật bẩm sinh khe hở môi vòm miệng, phục hồi chức năng hô hấp.
Để đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng cao, đa dạng, từng bước chuyên sâu, bệnh viện đã tách, thành lập mới và đưa vào hoạt động 5 khoa, phòng và 1 khu khám bệnh gồm: Phòng Quản lý chất lượng, Phòng Công tác xã hội, Khoa điều trị tự nguyện, Khoa sinh hóa, Khoa huyết học và khu khám bệnh theo yêu cầu. Ngoài ra, bệnh viện còn hợp tác hiệu quả với một số tổ chức quốc tế và đơn vị y tế trong nước, để hỗ trợ kinh phí và phẫu thuật miễn phí cho nhiều bệnh nhân mắc các dị tật bẩm sinh. Tiếp tục hợp tác tốt với các tổ chức Smile Train (Hoa Kỳ), Children Action (Thụy Sỹ) trong lĩnh vực đào tạo và chuyển giao kỹ thuật; với Tổ chức Smile Train phẫu thuật và hỗ trợ kinh phí cho 25 bệnh nhân mắc dị tật khe hở môi, khe hở vòm miệng...
Mới đây, trong đoàn cán bộ Y tế tỉnh Thanh Hóa vào miền Nam hỗ trợ nơi đây chống dịch Covid-19, Bệnh viện Nhi có 22 y bác sĩ. Trong đó có bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Viết Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn đã xung phong tình nguyện lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch.
Các bác sĩ và điều dưỡng viên tại Bệnh viện Nhi tâm sự: “Những ngày qua khi nghe tin mỗi ngày tại TP. Hồ Chí Minh có hàng ngàn ca nhiễm Covid-19, tôi và các đồng nghiệp rất nóng lòng mong muốn sớm được “chia lửa” cùng Sài Gòn. Tôi đã xung phong lên đường với tinh thần vì đồng nghiệp và vì những bệnh nhân đang chờ chúng tôi”.
Sắp xếp lại công việc ở đơn vị, gác lại những nỗi niềm riêng của gia đình, 59 y bác sĩ trẻ tỉnh Thanh Hóa đã hăng hái lên đường để cùng Sài Gòn vượt qua giai đoạn khó khăn. Các y bác sĩ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và hẹn ngày về khi Sài Gòn đã chiến thắng đại dịch Covid-19.
Bác sỹ Nguyễn Viết Hải, tâm sự từ trong tâm dịch: “Anh em đặt chân đến TP. Hồ Chí Minh và nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở với sự sắp xếp nhiệt tình của chính quyền và các đoàn thể của Thành phố. Đón bệnh nhân, mọi người phải thao tác trong bộ đồ bảo hộ, mọi sinh hoạt cá nhân thực hiện trong môi trường đặc biệt, khác lạ. Buổi làm việc đầu tiên, dù bỡ ngỡ nhưng cũng trôi đi êm ả. Đêm trực đầu tiên là thử thách với kíp trực. Liên tục có bệnh nhân nặng được chuyển từ tuyến dưới về, ICU hết máy thở, số bệnh nhân suy hô hấp cần phương tiện hỗ trợ tăng nhanh, đã có những bệnh nhân vĩnh viễn ra đi trong sự bất lực của các nhân viên y tế. Sáng ra, hết kíp trực, đã có điều dưỡng bệt xuống sàn nhà khóc vì những gì vừa xảy ra trong đêm trực. Đến khi thêm 16 tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, thì số bệnh nhân mà đoàn cán bộ y tế trực tiếp tham gia điều trị, cấp cứu và chăm sóc đã vượt qua 150 bệnh nhân; với 20 bệnh nhân thở máy, ca trực nào cũng phải thực hiện những công việc như ép tim, sốc điện, lọc máu … nhưng những khó khăn bước đầu đang được các cấp có trách nhiệm tháo gỡ”.
Có thể nói, ngoài việc luôn cố gắng để đồng hành với sức khỏe và niềm vui của trẻ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa còn sẵn sàng “chia lửa” với miền Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Minh Hiền