Lợi thế Du lịch nông nghiệp Bến Tre
Sau đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch có sự thay đổi. Du lịch nhóm nhỏ gồm gia đình và bạn bè, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe và trải nghiệm gắn với thiên nhiên, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa bản địa là xu hướng chủ đạo.
Nhận thức tầm quan trọng và những lợi thế của Du lịch nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Bến Tre chú trọng đầu tư sản phẩm Du lịch nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nhiều sản phẩm Du lịch nông nghiệp được hình thành, các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm du lịch và sản phẩm OCOP được tổ chức, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của Bến Tre.
Sáu tháng đầu năm 2022, Bến Tre đón hơn 670.000 khách, đạt 53% kế hoạch (khách nội địa hơn 642.000); doanh thu đạt 821 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch.
Huyện Châu Thành có 50 điểm du lịch, trong đó riêng xã Tân Phú có 15 điểm du lịch sinh thái miệt vườn đang hoạt động. Nhiều hộ dân có vườn cây ăn trái đặc sản cũng đã liên kết với các điểm du lịch để đón khách vào tham quan, vui chơi, ăn trái cây. Chính quyền địa phương cũng chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai các mô hình sản xuất, canh tác nông nghiệp hiệu quả, bảo vệ cảnh quan, môi trường để thúc đẩy phát triển du lịch.
Tham quan, hái trái cây, vui chơi, nghỉ ngơi trong vườn cây ăn trái được xem là sản phẩm du lịch được yêu thích và đang phát triển mạnh tại khu vực các xã cánh Tây huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Tận dụng lợi thế và triển khai hiệu quả, Bến Tre tập trung vào 3 thế mạnh nổi trội của tỉnh trên 3 vùng sinh thái ngọt, lợ và mặn đó là cây trái, hoa kiểng, cây dừa và thủy hải sản. Chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp chính là quá trình tạo ra các mô hình để du khách trải nghiệm, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch.
Có thể thấy rõ nhất tác động của du lịch đối với phát triển kinh tế nông nghiệp trong nâng giá trị nông sản. Ngoài việc quảng bá và bán được sản phẩm cho khách du lịch thì một số sản phẩm hoa quả VietGap hoặc đạt tiêu chuẩn hữu cơ còn được báo với giá cao hơn so với bán cho thương lái. Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, thị trường nông sản bấp bênh thì việc gắn với du lịch sẽ giúp cho các hộ kinh doanh nhỏ có thêm giải pháp để tăng thu nhập, ổn định hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích hiện có.
Giữ chân du khách, tạo thương hiệu Du lịch nông nghiệp Bến Tre
Khó khăn của Du lịch nông nghiệp hiện nay nằm ở việc ban hành chính sách, hạ tầng giao thông, cách thức xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp tại từng địa phương… Cụ thể, chính sách quản lý về đất đai, vay vốn ưu đãi, thuế… còn lúng túng, chưa có hoạch định rõ cho chuyên ngành du lịch nông nghiệp.
Người nông dân Bến Tre chân chất, chưa có nhiều kiến thức về làm du lịch, chỉ làm theo sự hiểu biết và tấm lòng nhiệt tình. Cũng chính sự nhiệt tình, hiếu khách đó đã tạo tình cảm tốt đẹp với khách. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ làm du lịch với nông dân, có giải pháp giữ chân du khách để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp địa phương lớn mạnh và chất lượng hơn, tạo nên thương hiệu riêng của tỉnh Bến Tre.
Theo các chuyên gia, khi làm du lịch, nông dân Bến Tre có thể cho khách trải nghiệm tất cả các khâu từ canh tác, nuôi trồng đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thông qua hoạt động du lịch có thể lồng ghép các giá trị văn hóa bản địa như: Nếp sinh hoạt, ẩm thực, các loại hình văn hóa tinh thần cũng tạo giá trị gia tăng tại vườn cây ăn trái
Bên cạnh học tập kỹ năng làm du lịch, người nông dân cần đặc biệt chú trọng đầu tư cho chất lượng và sự an toàn của nông sản. Tại xã Tân Phú, người nông dân đã được sự hỗ trợ tích cực từ Trung tâm khuyến nông và tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh để triển khai mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nâng cao chất lượng trái sầu riêng. Sản phẩm sầu riêng ở địa phương mỗi ngày được nâng cao về chất lượng, đi cùng sự linh hoạt với thị trường, sử dụng nhiều kênh thương mại điện tử, mạng xã hội, thúc đẩy tiêu thụ ngày càng hiệu quả hơn.
Ngoài ra, người nông dân cần đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để phát triển. Trên cơ sở quy hoạch phát triển nông nghiệp, cần định hướng đầu tư, thu hút nguồn lực, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo để phát triển đa dạng sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò dẫn dắt của các trang trại đã thành công; các công ty lữ hành tạo thị trường khách đến các điểm du lịch nông nghiệp thông qua các chương trình du lịch nông nghiệp.
Muốn phát triển Du lịch nông nghiệp, phải xác định chủ thể là người nông dân. Do đó, khi làm du lịch, người nông dân cũng cần thay đổi tư duy và chính quyền địa phương cần có những giải pháp để trợ lực, giúp họ có những định hướng đúng về du lịch nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Phải quan tâm và xây dựng những kế hoạch trung và dài hạn hơn về phát triển du lịch nông nghiệp, trong đó chú ý đến vấn đề về xây dựng sản phẩm có giá trị cao và bền vững.
Cần kêu gọi và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, đầu tư vào du lịch nông nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ và chú trọng tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực du lịch, ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm đổi mới phương thức quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường, phát triển du lịch bền vững.
Vũ Phong - VGP