BĐKH thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp

00:00 12/10/2020

Những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) buộc các địa phương phải có hướng đi bền vững hơn cho nông nghiệp, bằng cách đầu tư vào khoa học công nghệ, tìm kiếm hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là những vấn đề được thảo luận tại Tọa đàm "Tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện thích nghi với BĐKH", do UBND tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức.
 Là một trong những tỉnh đi đầu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp đã tập trung tổ chức lại sản xuất 5 ngành theo hướng giảm giá thành, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng. Những giải pháp này đã phát huy hiệu quả trong đợt hạn mặn lịch sử vừa qua. 6 tháng đầu năm, nông nghiệp Đồng Tháp vẫn giữ được mức tăng trưởng 3,2%, đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ kinh nghiệm của Đồng Tháp cho thấy, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp không chỉ làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp mà còn giúp người dân đảm bảo sinh kế bền vững trước tác động của BĐKH. Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của tỉnh Đồng Tháp hướng đến mục tiêu quan trọng là thúc đẩy phát triển nền “nông nghiệp xanh”, nâng cao năng lực quản lý rủi ro để ứng phó với các tác động xấu của BĐKH. Từ đó, hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững; cải thiện thu nhập, đời sống dân cư nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 5% trở lên, thu nhập nông dân tăng gấp 2 lần so với hiện nay…
Mô hình cánh đồng liên kết mẫu lớn tại Đồng Tháp
Mô hình cánh đồng liên kết mẫu lớn tại Đồng Tháp
Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách của Bộ NN&PTNT: Nhu cầu tái cơ cấu của các địa phương đang cấp thiết hơn bao giờ hết. Người dân và doanh nghiệp mong chờ những hành động thiết thực từ các cơ quan chức năng, bởi BĐKH đang gây thiệt hại từng ngày, từng giờ đến sinh kế của họ. Tuy vậy, không phải địa phương nào cũng có điều kiện tái cơ cấu đồng bộ, toàn diện như ở Đồng Tháp. Hiện, ngân sách Nhà nước rất hạn hẹp, trong khi hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế lại phân tán và chậm trễ. Các dự án khi triển khai không có sự phối hợp với nhau, chưa có giải pháp mang tính đột phá.
Ông Sơn nhận định, để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu nông nghiệp, các địa phương cần xác định hình thức tổ chức sản xuất cho phù hợp với điều kiện của từng nơi, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp để khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế, nhấn mạnh việc đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nên tập trung phát triển một số ngành hàng nông sản chính và một số ngành phụ trợ, cùng với xây dựng chuỗi giá trị và tạo động lực cho các tác nhân tham gia chuỗi. Điển hình là Đồng Tháp đã thành công với việc phát triển 5 mặt hàng chủ lực: Lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt. Những chính sách ưu đãi đã thu hút số lượng doanh nghiệp tham gia vào các chương trình liên kết sản xuất – tiêu thụ không ngừng tăng lên, giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 3 - 4 triệu đồng so với sản xuất truyền thống.
Quá trình xây dựng cần phải tính đến 3 vấn đề: Lựa chọn khoa học công nghệ ứng dụng vào quá trình sản xuất, giải quyết sinh kế cho người dân và khơi thông các nguồn lực đầu tư. Cần xây dựng các mô hình thành công làm tiền đề thu hút doanh nghiệp, tổ chức quốc tế bỏ vốn đầu tư. Quan trọng nhất vẫn là giúp người nông dân trồng trọt, chăn nuôi bền vững, có đầu ra cho sản phẩm.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Dương Văn Ni - Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, cần phát huy sức mạnh cộng đồng trong ứng phó BĐKH. Cơ quan chức năng nên lắng nghe tiếng nói của người dân khi xây dựng các mô hình sinh kế tại địa phương. Họ mới là người trực tiếp chung sống với những biến đổi bất thường của thiên nhiên.
Vấn đề liên kết vùng một lần nữa được nhắc lại. Các chuyên gia khẳng định tầm quan trọng của việc điều tra, quy hoạch tài nguyên đất, tài nguyên nước trong từng địa phương và liên vùng. Đây là cơ sở để bố trí hợp lý cây trồng, vật nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, cũng cần liên kết các ngành hàng lại với nhau thành thế mạnh chung của vùng. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, các dự án đầu tư mang tính quốc gia khó dành cho một ngành hàng đơn lẻ. Chính vì vậy, các địa phương cũng nên hợp tác, chia sẻ thông tin trong những vấn đề như điều tra tài nguyên, quy hoạch vùng sản xuất…
Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học khuyến cáo các tỉnh, thành phố nên xây dựng các phương án sản xuất không lũ vào đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Sự thiếu hụt nguồn nước đã hiện hữu và có nguy cơ kéo dài sang các năm sau nữa. Ngoài tác động của BĐKH, hoạt động của thủy điện đầu nguồn sông Mê Kông và sự phát triển nông nghiệp mạnh mẽ ở các nước Lào, Campuchia, Myanma cũng là nguyên nhân chính khiến Việt Nam mất mùa lũ.
(theo tainguyenmoitruong.vn)