Bát Tràng (Gia Lâm): Người thổi hồn vào các sản phẩm gốm

08:31 22/07/2021

Khi đến làng gốm Bát nhắc đến nghệ nhân Nguyễn Văn Bình là người ta đã chọn gắn bó với gốm nghệ thuật và điêu khắc hội họa. Ông gắn bó gần 40 năm miệt mài với điêu khắc nghệ thuật, ông đã khẳng định tài năng bằng nhiều tác phẩm được công chúng yêu mến, ngưỡng mộ.

Các sản phẩm tượng gống cua ông được biết đến gồm: Quan Âm, Phật Di Lặc, Tam Đa rồi những bức tượng gốm nghệ thuật Thị Kính, mẹ Đốp, Lý trưởng… lần lượt ra đời bằng nỗ lực và tâm huyết của ông. Vẫn là xương, là men của gốm Bát Tràng nhưng được vuốt, chạm theo hình khối, đường nét tinh tế của nghệ thuật điêu khắc hiện đại, tạo nên nét độc đáo vừa hiện đại, vừa truyền thống trên mỗi tác phẩm. Say sưa với màu men, chất đất gốm sứ của quê hương, nhiều tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Văn Bình mang dấu ấn đậm nét của gốm và sứ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Bình cho biết, ông và các nghệ nhân làng Bát Tràng đã dành 6 tháng ròng rã để lên ý tưởng và hoàn thiện đôi rồng gốm. Tác phẩm một lần nữa khẳng định chất liệu gốm có sức biểu cảm rất độc đáo, tạo nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, có sức trường tồn thông qua bàn tay tài hoa của người nghệ nhân. Hiện, đôi rồng được đặt nổi trên mặt hồ Tây, gần khu vực vườn hoa Lạc Long Quân không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, tâm linh, mà còn tạo cho địa danh này thêm điểm nhấn văn hóa, du lịch. 

  Nghệ nhân Nguyễn Văn Bình đang điêu khắc tác phẩm gốm của mình.

Cũng từ đây, bộ 18 bức tượng tái hiện toàn bộ quy trình sản xuất gốm truyền thống của làng nghề Bát Tràng đặt tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, bộ đôi tượng Hộ Pháp ở đình làng Bát Tràng, bức tượng Chopin bằng đá xanh tại vườn Cam, Tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ, Tượng đài vinh quang người thợ mỏ tại tỉnh Quảng Ninh… ra đời, đem lại cho công chúng những cái nhìn mới mẻ hơn về nghệ thuật điêu khắc.

Nhắc đến nghệ nhân Nguyễn Văn Bình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Nghị, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp nhận xét: “Đối với điêu khắc gốm, nghệ nhân Nguyễn Văn Bình đã đẩy lên thành nghệ thuật, trong đó có cả các tác phẩm điêu khắc lớn, điêu khắc ngoài trời. Tính kế thừa, phát huy truyền thống nghề gốm thể hiện trên các tác phẩm điêu khắc của nghệ nhân Nguyễn Văn Bình được thể hiện linh hoạt thông qua ngôn ngữ của gốm với hình khối và màu men quen thuộc. Trong các tác phẩm điêu khắc của mình, chất dân gian, chất truyền thống rất rõ nét, trở thành thế mạnh của nghệ nhân, nghệ sĩ Nguyễn Văn Bình”.

Cả cuộc đời gắn bó với nghề làm gốm nhưng chưa bao giờ nghệ nhân Nguyễn Văn Bình ngừng học hỏi. Ông học thầy, học bạn, để không ngừng tiến bộ về nghề và để có những góc nhìn nghệ thuật mới mẻ hơn, từ đó nâng tầm giá trị tác phẩm. Ông cũng luôn trăn trở làm sao có thể nâng cao ứng dụng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung và đồ gốm sứ nói riêng trong bối cảnh hiện nay. Ông quan niệm, chỉ có đi vào cuộc sống, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mới có thể sống đời sống thực của nó và tạo ra sức phát triển của các làng nghề.

Vũ Văn Tiến