Bài học thành công từ các cường quốc cà phê thế giới như Colombia, Brazil

16:23 10/03/2023

Colombia, Brazil là những bài học thành công gần gũi nhất để ngành cà phê Việt Nam có thể học hỏi, nâng cao giá trị cà phê Việt Nam với việc chú trọng phát triển và bảo tồn vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao theo hướng bền vững ở nhiều mặt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Vào cuối năm 2020, 10 quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất, nắm giữ 87% thị phần mặt hàng này. Danh sách 10 quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới gồm: Brazil (37,4%), Việt Nam (17,1%), Colombia (8,4%), Indonesia (7,1%), Ethiopia (4,3%), Honduras (3,6 %), Ấn Độ (3,4%), Uganda (3,3%), Mexico (2,4%), Peru (2,2%).

Trong khi một số quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới nổi tiếng từ lâu, những quốc gia khác có thể gây ngạc nhiên. Trên thế giới có hơn 70 quốc gia sản xuất cà phê, nhưng phần lớn sản lượng cà phê toàn cầu đến từ 5 nhà sản xuất hàng đầu: Brazil, Việt Nam, Colombia, Indonesia và Ethiopia. Tất cả các quốc gia sản xuất hàng đầu này đều nằm trong cái gọi là “Vành đai đậu”, nằm giữa chí tuyến Cancer và chí tuyến Capricorn.

Trong đó, đáng chú ý là bài học thành công từ các cường quốc cà phê thế giới như Colombia, Brazil với những công thức và chiến lược đúng đắn để gia tăng giá trị xuất khẩu cho ngành cà phê quốc gia.

Tại Colombia, quốc gia này có sản lượng xuất khẩu chỉ gần 1 triệu tấn nhưng thu về giá trị 3,2 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới (trong khi đó Việt Nam xuất khẩu 1.78 triệu tấn, thu về trên 4.06 tỷ USD, tương đương giá trị xuất khẩu đạt được thấp hơn 30% so với Colombia).

Điều giúp Colombia thu về giá trị cao hơn là nhờ vào chất lượng và thương hiệu cà phê mà nước này xây dựng. Từ năm 1927, Chính phủ Colombia đã thành lập Liên đoàn Cà phê Colombia, với vai trò giúp nông dân cải thiện chất lượng cà phê thông qua hệ thống canh tác được liên kết sâu rộng, cũng như chuyển giao kỹ thuật sản xuất cà phê đạt hiệu quả tối ưu. Liên đoàn Cà phê Colombia cũng đưa ra những tiêu chuẩn về phát triển cà phê bền vững cho khu vực “Tam giác cà phê” trong các khâu từ sản xuất, môi trường, chất lượng sản phẩm, xây dựng các chính sách nhằm bảo tồn hài hòa giữa việc bảo tồn cảnh quan văn hóa cà phê với lợi ích kinh tế.

Colombia cũng chú trọng xây dựng các chính sách bảo tồn và phát triển cà phê Colombia như: xây dựng Quỹ bình ổn giá cà phê, chính sách bảo tồn cảnh quan văn hóa cà phê Colombia, xây dựng Công viên cà phê Quốc gia, bảo tàng Văn hóa cà phê, quảng bá văn hóa cà phê Colombia đến gần hơn với công chúng…

Cùng với thông điệp truyền thông tiếp thị “100% cà phê Colombia” ra thế giới, ngành cà phê Colombia không những được nâng cao vị thế, thương hiệu trên các thị trường quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới như: Mỹ, Canada, Châu Âu; thúc đẩy thị trường lao động cho ngành cà phê, phát triển kinh tế và các ngành liên quan như du lịch, vận tải,…

Trong khi đó, Brazil – cường quốc sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, các chính sách điều hành và tổ chức quản lý ngành hàng cà phê đã được xây dựng và vận hành từ một thế kỷ trước.

Khác với hầu hết các quốc gia sản xuất cà phê khác, Brazil phơi khô quả cà phê dưới ánh nắng mặt trời (cà phê chưa rửa) thay vì rửa chúng. Đất nước này có ảnh hưởng đến sản xuất cà phê đến mức những chiếc túi vải bố 60 kg trước đây được sử dụng để xuất khẩu hạt cà phê từ Brazil vẫn là tiêu chuẩn toàn cầu để đo lường trong sản xuất và buôn bán.

Brazil miễn thuế xuất khẩu cà phê, nhưng cà phê nhân và cà phê rang xay nhập khẩu bị đánh thuế 10% và cà phê hòa tan là 16%. Đặc biệt, Brazil rất chú trọng tiêu thụ nội địa, áp dụng chính sách không có hạt cà phê thô nào có thể được nhập khẩu vào Brazil. Theo Hiệp hội Cà phê thế giới, Brazil là nước tiêu thụ cà phê nội địa cao thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ và là nước có lượng tiêu thụ nội địa cao nhất trong các nước sản xuất cà phê. Hiện nay, Brazil tiêu thụ nội địa hàng năm khoảng 600.000 tấn cà phê, lượng tiêu thụ cà phê bình quân đầu người đạt 4,7kg/năm.

Cùng với các chính sách xúc tiến thương mại, Brazil xây dựng nhiều chính sách để bảo vệ quyền lợi của người nông dân trồng cà phê, đảm bảo chất lượng của nguồn nguyên liệu, như chương trình trợ cấp phí bảo hiểm nông thôn (PSR) của Nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hợp đồng bảo hiểm nông thôn về ngành cà phê vào năm 2021, với tỷ lệ trợ cấp là 40%.

Đồng thời, chú trọng đầu tư công nghệ, cơ giới hóa trong khâu trồng, thu hoạch, chế biến cà phê và đầu tư ngân sách để quảng bá thương hiệu cà phê Brazil trên khắp thế giới cũng như đứng ra tổ chức thường xuyên, định kỳ các sự kiện, giải thưởng cà phê uy tín cấp quốc gia và quốc tế cũng là những chiến lược để Brazil nâng cao giá trị thương hiệu và cà phê của mình.

Colombia, Brazil là những bài học thành công gần gũi nhất để ngành cà phê Việt Nam có thể học hỏi, nâng cao giá trị cà phê Việt Nam với việc chú trọng phát triển và bảo tồn vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao theo hướng bền vững ở nhiều mặt về kinh tế, xã hội và môi trường, tiến tới hình thành chuỗi giá trị, hệ sinh thái riêng mang đặc trưng ở thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

Do văn hóa cà phê ngày càng tăng trong thế hệ trẻ ngày nay cũng như thu nhập khả dụng ngày càng tăng, nhân khẩu học, đô thị hóa và các cửa hàng dịch vụ ăn uống là một số yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường cà phê toàn cầu. Việc chuyển đổi văn hóa làm việc đặc biệt trong ngành công nghiệp cùng với việc nâng cao mức sống được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu trên thị trường toàn cầu. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Các công ty trên thế giới đang xem xét lại các chiến lược của họ về dịch vụ cũng như các thương hiệu đương đại mới nổi nhằm nâng cao sự hài lòng của khách hàng và từ đó có được lòng trung thành là những yếu tố khác giúp cải thiện thị trường cà phê toàn cầu trên toàn thế giới. Nhu cầu loại cà phê hữu cơ ngày càng tăng do nhận thức ngày càng tăng về lợi ích sức khỏe liên quan đến việc sử dụng cà phê được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu cà phê trong tương lai gần.

Việt Nam phải đầu tư vào các ngành công nghiệp cà phê giá trị gia tăng của mình để phát triển trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu và làm cho ngành này bền vững hơn; cà phê chế biến hiện chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng cà phê của cả nước. Điều này mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là những doanh nghiệp có chuyên môn trong sản xuất các sản phẩm cà phê chế biến. 

Ngành cà phê Việt Nam muốn đạt được mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030 cần tăng năng suất hạt cà phê, cải thiện hiệu quả và tính nhất quán của các vùng đất chuyên canh hiện tại.

Khánh Hà t/h