Xuyên thủng các mốc hỗ trợ
Khi giá bitcoin tăng vọt lên mức 69.000 đô la vào đầu tháng 11-2021, nhiều nhà đầu tư lẫn không ít chuyên gia hồ hởi dự báo đồng tiền mã hóa vốn hóa lớn nhất thị trường này sẽ sớm cán mốc 100.000 đô la vào cuối năm, hoặc nếu chậm hơn thì trong quí 1-2022. Thay vì thế, giá bitcoin bắt đầu hành trình tuột dốc chóng mặt và lớp lớp nhà đầu tư lao vào bắt đáy sớm đều bị nhấn chìm trước lực bán tháo mạnh hơn sau đó.
Khi bitcoin rơi xuống dưới mức 45.000 đô la, các chuyên gia phân tích kỹ thuật nhận định ngưỡng 40.000-42.000 sẽ là vùng hỗ trợ mạnh. Nếu vùng giá này bị xuyên thủng, họ kỳ vọng điểm giá hỗ trợ tiếp theo là 38.000 đô la. Nhưng trái với dự báo của họ, bitcoin lần lượt xuyên thủng các vùng giá này. Đỉnh điểm của làn sóng bán tháo xảy ra vào ngày 22-1 khi bitcoin bị đạp về sát mức 34.000, giảm đến 14% so với giá đóng cửa hôm trước. Theo dữ liệu của coinglass.com, nỗi hoảng loạn tột độ đã khiến giới đầu tư thanh lý hơn 1,1 tỉ đô la trị giá các vị thế nắm giữ các đồng tiền mã hóa trong vòng 24 giờ. Tổng vốn hóa của bitcoin cũng bốc hơi 600 tỉ đô la kể từ khi giá lập đỉnh cách đây hơn 2 tháng.
Giờ đây, một số chuyên gia bắt đầu nghĩ đến kịch bản bitcoin lao về vùng giá 30.000-32.000 đô la, thậm chí có thể rơi sâu về mức 20.000 đô la.
Hayden Hughes, Giám đốc điều hành Công ty Alpha Impact ở Singapore, nhận xét: “Các vị thế ký quỹ bị thanh lý càng làm gia tăng áp lực vì các đồng tiền mã hóa được giữ làm tài sản thế chấp bị buộc phải bán để trả cho các khoản vay ký quỹ”.
Hughes cho rằng sẽ mất thời gian để thị trường tạo đáy và niềm tin của giới đầu tư quay trở lại trước bất cứ đợt tăng giá nào.
Có nhiều giải thích cho đợt bán tháo bitcoin trong những ngày qua nhưng dường như thị trường tiền mã hóa đang phản ứng đồng điệu với thị trường chứng khoán Mỹ trước mối lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất mạnh và nhanh hơn dự kiến để ứng phó với lạm phát. Phố Wall vừa trải qua tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm 2020. Điều này có nghĩa là tiền mã hóa và cổ phiếu đều được xem là tài sản rủi ro cao, không có khả năng phòng thủ lạm phát giống như vàng, vốn vẫn đang tăng 0,3% so với hồi đầu năm.
Vẫn chưa thể thay thế vàng thật
Bitcoin được xưng tụng là “vàng kỹ thuật số” (digital gold) vì bên cạnh nguồn cung khan hiếm, với chỉ 21 triệu đồng, nó còn được xem là công cụ lưu trữ giá trị, giúp phòng chống lạm phát đang cạnh tranh với vàng vật chất.
Thậm chí, những người ủng hộ bitcoin cho rằng bitcoin có những đặc tính độc đáo giúp nó có lợi thế hơn vàng với tư cách là công cụ lưu trữ giá trị.
Vàng và bitcoin giống nhau về tính khan hiếm. Tổng cung bitcoin chỉ có 21 triệu đồng và 19 triệu đồng đã được đào. Trữ lượng vàng ở vỏ Trái đất cũng chỉ là một con số hạn hữu. Theo các nguyên tắc kinh tế cơ bản, khi nguồn cung của một mặt hàng là cố định nhưng nhu cầu tăng lên, giá của nó sẽ tăng. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi vàng được xem là tài sản an toàn vì giá trị của nó sẽ tăng theo thời gian. Bên cạnh việc sử dụng để chế tác trang sức nhờ độ hiếm và ánh sáng lấp lánh, vàng còn có một số ứng dụng trong các linh kiện điện tử.
Trong khi đó, bitcoin ngày càng được sử dụng nhiều trong thế giới thực. Tháng 9 năm ngoái, El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên xem bitcoin là tiền pháp định, cho phép người dân và doanh nghiệp thanh toán và đóng thuế bằng bitcoin. Hôm 21-1, Tổng thống El Salvador, Nayib Bukele “khoe” trên Twitter rằng nước ông đã mua thêm 410 bitcoin mà chỉ tốn có 15 triệu đô la, tương đương 36.585 đô la mỗi đồng. Ông Bukele viết: “Một số người đang bán bitcoin quá rẻ”. Sau nhiều lần mua bắt đáy, El Salvador đã tích lũy được ít nhất, 1.801 bitcoin nhưng đang tạm thời lỗ hơn 10 triệu đô la vì bitcoin cứ cắm đầu giảm giá.
Nhờ tốc độ giao dịch nhanh và chi phí thấp, bitcoin cũng được sử dụng để chuyển tiền xuyên biên giới như kiều hồi thường chịu mức phí cao nếu chuyển thông qua các ngân hàng.
Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, khoảng ¾ trữ lượng vàng ở vỏ Trái đất đã được khai thác và vẫn còn 50.000 tấn vàng nữa ở trong lòng đất. Tuy nhiên, nếu giá vàng tăng mạnh vì lý do nào đó, các công ty khai khoáng sẽ đẩy mạnh đầu tư để khai thác các trữ lượng vàng mà hiện nay chưa thể tiếp cận vì chi phí cao. Điều này có nghĩa là nguồn cung vàng vẫn có thể tăng nếu các điều kiện thị trường thuận lợi. Trong khi đó, nguồn cung bitcoin là con số đã xác định và dựa trên mã lập trình máy tính, không thể can thiệp sửa đổi được.
Ngoài ra, trái với vàng, bitcoin rất dễ cất giữ và di chuyển. Nó cũng có thể chia nhỏ chia tối đa đến 8 chữ số thập phân (0,00000001) và có thể sử dụng trong các giao dịch thanh toán. Trái lại, việc lấy một thỏi vàng đến một nhà hàng rồi cắt nhỏ ra để chi trả hóa đơn là điều không thể.
Những chuyên gia ủng hộ tiền mã hóa, bao gồm cả Mike Novogratz, Giám đốc điều hành Galaxy Investment Partners, công ty chuyên đầu tư tiền mã hóa như bitcoin và ether, trước đây nói rằng bitcoin thể hiện các phẩm chất của vàng như một tài sản không tương quan với cổ phiếu. Tuy nhiên, mối tương quan về biến động giá trong 100 ngày giữa chỉ số chứng khoán Nasdaq 100 và bitcoin hiện đang ở mức 0,4, với điểm 1 thể hiện sự đồng điệu hoàn toàn. Trong khi đó, hệ số tương quan biến động giá giữa vàng và bitcoin là 0,008, cho thấy diễn biến tăng giảm giá giữa chúng không mấy tương đồng.
Theo Steve Sosnick, Giám đốc chiến lược tại Công ty Interactive Brokers, vàng có xu hướng biến động thấp. Trong khi đó, tiền mã hóa tiếp tục chứng minh sự biến động giá không lường trước được.
Đầu tháng này, các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs dự báo bitcoin có thể tăng lên mức giá 100.000 đô la, nếu nó có thể giành được nhiều hơn nữa thị phần “lưu trữ giá trị” từ vàng. Thay vào đó, bitcoin và các đồng tiền mã hóa lại cho thấy đặc tính biến động mạnh của chúng khi chìm sâu trong vòng xoáy giảm giá.
Do đó, không thể thay thế bitcoin cho các mục đích sử dụng tương tự của vàng, theo nhận định của Peter Schiff, Giám đốc điều hành Công ty Euro Pacific Capital.
Ông nói: “Không ai mua vàng để làm giàu. Mọi người mua vàng để duy trì sự giàu có. Vàng đại diện cho kho lưu trữ giá trị dài hạn và phòng ngừa lạm phát mang tính truyền thống. Bitcoin không có bất cứ đặc tính nào như vậy”.
Khánh Lan/ Theo Bloomberg, Motley Fool