Thứ nhất là nghịch lý nhiều – ít, khi nhiều người nói, nhiều chuyên gia, nhưng rất ít người có thể thực sự hiểu vấn đề chuyển đổi số từ lý thuyết đến thực hành, mà phần nhiều tiếp cận ở khía cạnh kỹ thuật, bán sản phẩm phần mềm, thay vì tiếp cận từ khía cạnh quản trị.
Cùng với đó, phần lớn doanh nghiệp vẫn hiểu sai về chuyển đổi số. “Chuyển đổi số là một quá trình, không chỉ là áp dụng công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả mô hình kinh doanh, tư duy, cách làm việc, và con người, để thực hiện và đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp bằng các công cụ trên nền tảng số”, ông Minh phân tích.
Bên cạnh đó, nghịch lý nhiều – ít còn thể hiện ở việc doanh nghiệp nhiều kỳ vọng, nhiều mong muốn, nhưng lại rất ít đầu tư; ở thực trạng nhiều nền tảng, nhiều sản phẩm, công cụ số được cung cấp, nhưng rất ít phù hợp và chất lượng, đặc biệt, rất ít sản phẩm thật sự đúng, phù hợp với nền quản trị và trình độ quản trị của con người Việt Nam.
Thách thức thứ hai đến từ bối cảnh biến động với tốc độ chưa từng có, từ địa chính trị, khí hậu, đến thông tin, ứng dụng công nghệ, buộc doanh nghiệp, các nhà quản trị phải liên tục trang bị kiến thức, không chỉ kiến thức nền mà còn phải thường xuyên cập nhật.
Vấn đề thứ ba là con người, với thực tế thiếu và yếu, không chỉ ở cấp dưới, mà ngay cả những người đứng đầu, ông Minh nhấn mạnh.
Theo ông Minh, phần lớn nhà lãnh đạo làm theo thói quen, khó thay đổi, nhất là tại những doanh nghiệp có tuổi. Nhiều lãnh đạo rơi vào bẫy thành công, khi cho rằng những bài học kinh nghiệm cũ đã mang lại kết quả, từ đó từ chối những cái mới, từ chối học hỏi.
Điều này dẫn tới việc không đánh giá hết được tầm quan trọng của chuyển đổi số, công nghệ số trong quản trị, từ đó doanh nghiệp đầu tư ít, đầu tư cầm chừng theo phong trào.
Chuyên gia Quang Minh nhấn mạnh: “Điểm khó khăn và quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số là nhận thức của lãnh đạo. Lãnh đạo doanh nghiệp cần phải nhận thức được và sẵn sàng thay đổi”.
Lâm Nghi