Các bạn trẻ cho rằng, việc mua iPhone 14 đồng nghĩa với sự "xếp hàng" nghiêm chỉnh hơn, và cơ hội, cũng từ cách nhìn này mà có.
Thực tế lúc này đã là 20 giờ Việt Nam, tức 21 giờ ở đảo quốc Sư tử. Người xếp hàng mua điện thoại vẫn dài, những người vào bên trong cửa hàng vẫn phải chờ đến lượt rất lâu. Tất cả cho thấy, nhu cầu sở hữu sản phẩm mới nhất của Apple ở đông đảo người tiêu dùng là có thật. Mà trong số những người đã kiên nhẫn đợi xếp hàng từ trưa nay, có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam, phần lớn là chủ các cửa hàng bán sản phẩm Apple ở TP.HCM, Hà Nội.
Các bạn cho biết, một lượng không nhỏ các chủ cửa hàng, nhân viên kinh doanh hàng Apple ở Việt Nam cũng đang có mặt tại Thái Lan, cũng để đợi mua được iPhone 14 ngay trong những ngày mở bán đầu tiên.
Tuy nhiên, thông tin ghi nhận là việc mua không đơn giản như những năm trước. Năm nay, các cửa hàng chính thức của Apple tại Singapore và Thái Lan đều chỉ chấp thuận bán hàng tại chỗ cho người đã đặt mua trước qua mạng, tại các cửa hàng trực tuyến của hãng; và bán cho cư dân bản địa hơn là cho du khách. Chắc chắn mạng lưới kinh doanh Apple đã ghi nhận nguồn cầu lớn ở Việt Nam, song bởi thương hiệu này chưa thật sự đặt vào địa hạt kinh doanh chính thức nên phải có sự cân nhắc thận trọng. Những năm trước, nguồn hàng iPhone xách tay từ bên ngoài về Hà Nội, TP.HCM… đã gây những khủng hoảng lớn về truyền thông trong nước; và do tất cả đều không ở kênh phân phối chính thức, nên hiệu quả thương hiệu với bản quyền chính thức của Apple cũng bị ảnh hưởng.
Theo đó, 2022 là năm đầu tiên sau hơn 10 năm, việc bán iPhone ra có sự sàng lọc kỹ lưỡng, trách tình trạng “hàng xách tay” không chính thức lan tràn, giá cả biến động ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng. Những chiếc iPhone “bẻ khóa” đã gây không ít phiền toái với thương hiệu Apple.
Theo các bạn trẻ, việc siết chặt bán ra iPhone 14 ngay những ngày đầu mở bán cho thấy có 3 cơ hội chuyển biến tình hình với thị trường Apple ở Việt Nam.
Thứ nhất, nguồn hàng xách tay về sẽ giảm đi nhiều, iPhone 14 sẽ hiếm có hơn, đồng nghĩa với giới kinh doanh bán hàng có thể kiếm tăng lên một tí lãi. Đây là tâm lý cơ bản để nhiều người kinh doanh, dù khó khăn, tốn kém, vẫn nhất định có mặt ở nước ngoài để hy vọng “tải hàng” về an toàn, bán ra được giá hơn. Nhất là với các mẫu iPhone 14 màu sắc mới, trong đó màu đen truyền thống có vẻ chất lượng hơn và màu tím mới mẻ hấp dẫn hơn.
Thứ hai, việc giới hạn bán ra của hãng Apple nhằm siết chặt hàng xách tay sẽ đánh dấu cơ hội để hãng công nghệ này xích gần đến lựa chọn chính thức về Việt Nam. Bởi theo khảo sát chung, lượng sản phẩm Apple trong nước cho đến nay vẫn luôn chiếm một tỷ lệ rất cao, kể cả những mẫu iPhone mới nhất và đắt giá, như iPhone 13 Pro max vừa qua và 14 hiện nay. Bỏ qua những câu chuyện bẻ khóa, ghép sim, các sản phẩm Apple trong nước đều đang rất cần tiếp cận những dịch vụ tốt hơn từ chính hãng để đảm bảo quyền lợi cho người dùng.
Thứ ba, qua hơn 10 năm cọ xát tiêu dùng, lần này Apple yêu cầu việc chấp hành đăng ký mua sản phẩm, tuân thủ các điều kiện và dịch vụ, thể hiện số đông người dùng Việt Nam đã có ý thức tốt hơn về bản quyền, về các nguyên tắc đám mây cùng các dịch vụ của hãng công nghệ Táo khuyết. Dấu hiệu này cho thấy sự chuyển biến tâm lý tiêu dùng tốt hơn ở cộng đồng người dùng, cơ hội thực sự cho các hãng công nghệ tiếp cận mạnh mẽ thị trường Việt Nam.
Tất nhiên về mặt thông tin truyền thông, việc Apple hạn chế bán iPhone 14 ra ngay trong ngày đầu mở bán, là nhằm tránh việc che lấn, tranh mua của người tiêu dùng. Đợt covid thứ 5 đang hiện hữu ở Singapore là lý do để yêu cầu xếp hàng mua sản phẩm Apple có lý hơn. Tại Thái Lan, việc bán nhỏ giọt số lượng iPhone 14 cũng nằm trong phạm vi cảnh giác thông tin như vậy.
Song đối với đông đảo người dùng Việt Nam, việc siết chặt bán iPhone 14 vào lúc này, lại là cơ hội để cộng đồng người Việt “xếp lại hàng”, nghiêm chỉnh tự đánh giá lại nhu cầu tiêu dùng của mình và những cơ hội kinh doanh khác phía sau, khi tư duy và tâm lý “ăn xổi”, “đi tắt” phải nhường dần cho hướng làm ăn chính ngạch, chuẩn mực hơn và tôn trọng những giá trị thương mại hơn.
Nguyên Đức