Sự kiện nằm trong khuôn khổ Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Buổi lễ có sự tham gia của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Hồ Văn Mừng, cùng các đại diện từ sở, ngành và nông dân trong khu vực.
![]() |
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng phát biểu tại ngày hội (Ảnh Cổng TTDT AG) |
Đây là năm đầu tiên An Giang triển khai thực hiện Đề án với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị cây lúa qua việc áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến. Tại Ngày hội, các nông dân đã áp dụng phương pháp canh tác tiết kiệm, hiệu quả như giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm lượng nước sử dụng và ứng dụng công nghệ máy sạ cụm kết hợp vùi phân. Việc sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật từ Bayer Việt Nam và phân bón Bình Điền cũng giúp gia tăng năng suất cây lúa. Kết quả từ mô hình ruộng thử nghiệm đạt năng suất 8,25 tấn/ha, cao hơn 11,28 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mừng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được từ Đề án tại An Giang. Ông cho biết, đến nay tỉnh đã triển khai khoảng 1.200 ha lúa chất lượng cao, và dự kiến trong năm 2025 sẽ mở rộng diện tích lên đến 44.000 ha. Đề án không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn thúc đẩy bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.
![]() |
Không khí hào hứng của Ngày hội thu hoạch lúa (Ảnh Cổng TTDT AG) |
"Ngày hội thu hoạch lúa là dịp để tuyên truyền, động viên các nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tích cực tham gia Đề án. Các sở, ngành và địa phương cần tập trung nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc canh tác lúa chất lượng cao. Đồng thời, khuyến khích việc giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là không đốt rơm rạ trên đồng ruộng", ông Hồ Văn Mừng chia sẻ.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nghiên cứu và triển khai các cơ chế hỗ trợ, đặc biệt là việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để tăng năng suất và giá trị lúa gạo, gắn liền với mục tiêu tăng trưởng xanh.