Alibaba kỳ vọng hồi phục đà tăng trưởng qua cuộc tái cơ cấu lớn nhất lịch sử

22:49 28/03/2023

Alibaba Group - gã khổng lồ công nghệ của tỷ phú Jack Ma - đang có kế hoạch tái cấu trúc toàn bộ công ty. Mỗi bộ phận mới của Alibaba sẽ có CEO và ban quản trị riêng quản lý.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bloomberg đưa tin, Alibaba Group Holding Ltd đang có kế hoạch chia tách đế chế 220 tỷ USD của mình thành 6 bộ phận. Theo đó, mỗi bộ phận sẽ thực hiện các đợt huy động vốn riêng và tìm hiểu về khả năng IPO. Đây là cuộc cải tổ lớn nhất của doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc kể từ khi thành lập cách đây hơn 2 thập kỷ.

Mỗi bộ phận mới của Alibaba sẽ có CEO và ban quản trị riêng quản lý. Trong một tuyên bố, công ty cho biết điều này nhằm “mở khóa giá trị cổ đông và củng cố tính cạnh tranh trên thị trường”.

Động thái này của Alibaba diễn ra sau những năm khó khăn vừa qua. “Ông lớn” thương mại điện tử đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm lại tại Trung Quốc cũng như quy định khắc nghiệt từ Bắc Kinh, dẫn đến mất hàng tỷ USD vốn hóa. Công ty vật lộn để tăng trưởng trong vài quý gần nhất.

Các bộ phận mới sẽ xoay quanh các chiến lược ưu tiên, cụ thể như sau: nhóm Cloud Intelligence do CEO Alibaba Daniel Zhang đứng đầu, phụ trách các hoạt động đám mây và trí tuệ nhân tạo; nhóm Taobao Tmall bao gồm các nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao và Tmall; nhóm Dịch vụ địa phương do Yu Yongfu làm CEO, gồm dịch vụ giao đồ ăn Ele.me và bản đồ; nhóm Cainiao Smart Logistics do Wan Lin làm CEO, gồm dịch vụ logistics của Alibaba; nhóm Global Digital Commerce do Jiang Fan làm CEO, gồm các mảng kinh doanh thương mại điện tử quốc tế như AliExpress, Lazada; nhóm Digital Media & Entertainment do Fan Luyuan làm CEO, gồm mảng phim và streaming.

Mỗi nhóm có thể gọi vốn độc lập và niêm yết trên sàn chứng khoán khi sẵn sàng, ngoại trừ Taobao Tmall Commerce, theo CEO Daniel Zhang.

"Ở tuổi 24, Alibaba đang chào đón một cơ hội phát triển mới. Thị trường sẽ là phép thử tốt nhất", ông Zhang nhận định.

Quyết định chia tách sẽ cho phép các bộ phận chính của Alibaba, từ thương mại điện tử, truyền thông cho đến dịch vụ đám mây có quyền tự chủ cao hơn theo đó tạo nền tảng cho các công ty con và các đợt niêm yết trong tương lai. Sau thông báo này, cổ phiếu của Alibaba tăng 4% trong phiên trước giờ giao dịch ở New York.

Việc chuyển đổi sang một công ty cổ phần theo cấu trúc là rất hiếm đối với một công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc. Quyết định của Alibaba đánh dấu sự khác biệt lớn so với cách kinh doanh thông thường của họ là quản lý toàn bộ các bộ phận “dưới trướng” của một công ty. Alibaba từ trước đến nay vẫn điều hành mọi lĩnh vực từ siêu thị đến trung tâm dữ liệu.

Đây cũng là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Alibaba sẵn sàng tiếp cận các nhà đầu tư và khai thác tiềm năng của thị trường đại chúng, sau khi đợt siết chặt quy định khiến họ mất hơn 500 tỷ USD vốn hoá.

Từ một công ty thương mại điện tử, Alibaba đã trở thành đế chế với nhiều mảng miếng như đám mây, streaming, logistics. Công ty xem việc chia làm 6 như một cách để thay đổi nhanh hơn, phản hồi tốt hơn trước các biến đổi của thị trường.

Steven Leung - giám đốc điều hành của UOB Kay Hian, cho hay: “Thông tin này được đưa ra sau lời cam kết hỗ trợ khu vực tư nhân của Bắc Kinh. Nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5%, Trung Quốc cần hỗ trợ các doanh nghiệp như Alibaba.”

Ngoài ra, thông báo của Alibaba cũng trùng với thời điểm nhà đồng sáng lập Jack Ma quay trở về Trung Quốc sau hơn 1 năm ở nước ngoài.

Trước đó, ông Ma gần như biến mất khỏi công chúng trong vài năm qua. Với bài phát biểu tại hội nghị ở Thượng Hải hồi tháng 10/2020, tỷ phú Jack Ma - doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc thời điểm đó - gián tiếp đẩy thương vụ IPO trị giá 35 tỷ USD của gã khổng lồ fintech Ant Group vào bế tắc.

Đến tháng 4/2021, Tổng cục Quản lý thị trường Trung Quốc thông báo phạt Alibaba 18 tỷ nhân dân tệ, tương đương 2,75 tỷ USD, vì vi phạm các quy định chống độc quyền. Theo Reuters, đây là mức phạt kỷ lục đối với một công ty Trung Quốc.

Ant Group hiện được cải tổ dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). Trong khi đó, vị tỷ phú sáng lập Alibaba đang dần từ bỏ quyền kiểm soát gã khổng lồ fintech.

thông báo của Alibaba cũng trùng với thời điểm nhà đồng sáng lập Jack Ma quay trở về Trung Quốc sau hơn 1 năm ở nước ngoài.
Thông báo của Alibaba cũng trùng với thời điểm nhà đồng sáng lập Jack Ma quay trở về Trung Quốc sau hơn 1 năm ở nước ngoài.

Giảng viên Xin Sun tại King’s College London cho rằng có lẽ đã có một vài thỏa thuận giữa ông Ma và Bắc Kinh để tỷ phú này xuất hiện trở lại.

Việc chia tách diễn ra sau khi lợi nhuận của Alibaba vừa ghi nhận quý tăng trưởng đầu tiên kể từ năm 2020. Trong quý IV/2022, đế chế của tỷ phú Jack Ma lãi ròng 46,82 tỷ nhân dân tệ (6,8 tỷ USD), vượt xa ước tính 34,02 tỷ nhân dân tệ (4,94 tỷ USD) của Refinitiv và tăng 69% so với cùng kỳ năm trước đó.

Tuy nhiên, một phần nguyên nhân giúp lợi nhuận của Alibaba tăng trưởng là việc cắt giảm chi phí. Tập đoàn từng chi tiêu mạnh tay để phát triển các hoạt động kinh doanh dịch vụ trực tuyến và quốc tế của mình.

Công ty hiện tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận và không còn dồn lực cho cuộc chiến tranh giành thị phần với các đối thủ như JD.com và startup PDD Holdings.

Thu Trang (t/h)