32 doanh nghiệp đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao suốt 27 năm liên tiếp

18:16 09/03/2023

Hơn 500 doanh nghiệp đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn, trong đó có 32 doanh nghiệp đạt danh hiệu này suốt 27 năm liên tiếp và 41 doanh nghiệp lần đầu được bình chọn.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết Hội sẽ hỗ trợ các DN Việt Nam nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm - Ảnh: VGP/Trần Quỳnh
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết Hội sẽ hỗ trợ các DN Việt Nam nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm - Ảnh: VGP/Trần Quỳnh.

Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổ chức buổi Họp báo Công bố doanh nghiệp đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2023. Theo đó, 519 doanh nghiệp đạt chứng nhận HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn, trong đó có 32 doanh nghiệp đạt danh hiệu này suốt 27 năm liên tiếp và 41 doanh nghiệp lần đầu được bình chọn.

Bước qua năm thứ 27, Chương trình HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn tiếp tục phát huy những giá trị bền vững vốn có như: trở thành Chương trình xúc tiến trọng điểm của TP Hồ Chí Minh; Tạo động lực thúc đẩy và cổ vũ hiệu quả nhất cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị; Tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp nâng chất sản phẩm, phát triển thương hiệu, tăng lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững; Là cầu nối sản phẩm của doanh nghiệp với hệ thống các nhà bán lẻ trong và ngoài nước; Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Theo bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp HVNCLC, sau dịch COVID-19, ý thức về việc nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng ngày càng cao. Thực phẩm sạch, an toàn và được kiểm chứng đạt các tiêu chuẩn chất lượng hoặc đạt chứng nhận hữu cơ đang là lựa chọn hàng đầu được nhiều gia đình. Một số người tiêu dùng còn sẵn sàng chi trả tăng thêm cho sản phẩm có các ưu điểm vượt trội như truy xuất được nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn chất lượng hay thân thiện môi trường - "nhãn xanh".

Trải qua hơn 6 năm hoạt động từ 2017- 2022 với nhiều chương trình đồng hành cùng DN, Hội DN HVNCLC đã hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn để đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm, ngày càng nâng cao uy tín thương hiệu với người tiêu dùng và phát triển vững bền. Đến nay đã có 197 doanh nghiệp được cấp chứng nhận HVNCLC  - Chuẩn hội nhập, trong đó có 135 doanh nghiệp ngành thực phẩm, và 62 doanh nghiệp ngành phi thực phẩm.

Cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn HVNCLC 2023 do Hội doanh nghiệp HVNCLC chủ trì thực hiện từ tháng 09/2022. Kết quả ghi nhận hơn 61.000 lượt bình chọn từ cuộc khảo sát trực tiếp các điểm bán, khảo sát trực tiếp người tiêu dùng, khảo sát trực tuyến thu thập ý kiến đánh giá, bình chọn của người tiêu dùng trên phạm vi toàn quốc.

Bước sang giai đoạn 2, Hội doanh nghiệp HVNCLC đã tiến hành kiểm tra, xác minh, đối chiếu, trong đó có việc tiếp nhận hồ sơ minh bạch của doanh nghiệp gửi thư tới các cơ quan chức năng quản lý nhà nước tại địa phương liên quan để ghi nhận thông tin chính thức về tuân thủ pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp liên quan tới chất lượng, môi trường, sử dụng lao động, bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng…. Sau hơn một tháng Ban tổ chức tiếp nhận ý kiến đánh giá từ 99 sở ngành thuộc 36 tỉnh thành phản hồi thông tin …

Thông tin từ cuộc khảo sát cho thấy, nhóm doanh nghiệp mới đạt tỷ lệ bầu chọn lần đầu là các doanh nghiệp có mạng lưới phân phối khá tốt, tập trung hơn vào doanh nghiệp thực phẩm, cung ứng các sản phẩm tiêu biểu trên thị trường. Ngành hàng có số doanh nghiệp đạt đủ tỷ lệ bình chọn là ngành thực phẩm khô, đồ ăn liền; kế đến là ngành nước chấm, gia vị; ngành đạt tỷ lệ bình chọn thấp nhất là ngành dụng cụ làm đẹp.

Ảnh minh họa
Ngành hàng có số doanh nghiệp đạt đủ tỷ lệ bình chọn là ngành thực phẩm khô, đồ ăn liền

Ông Nguyễn Văn Phượng, đại diện tổ điều tra HVNCLC cho biết, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần phát triển thực sự về chiều sâu. Các yếu tố như an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon, thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc - xuất xứ, hoặc sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng... ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, đặc biệt đối với sản phẩm nhóm ngành thực phẩm, đồ uống.

Một số người tiêu dùng còn sẵn sàng chi trả tăng thêm cho sản phẩm có các ưu điểm vượt trội như truy xuất được nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn chất lượng hay thân thiện môi trường (nhãn xanh)... Nhu cầu sử dụng các sản phẩm vì sức khỏe, sản phẩm “xanh” “sạch” và có tính “bền vững” ít tác động tới môi trường là một xu hướng nổi bật hiện nay.

Thanh Hà (t/h)