Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển thành phố thông minh

00:00 12/10/2020

Phát triển thành phố thông minh trên phạm vi toàn quốc đồng nghĩa sẽ chạm tới “mọi ngõ ngách” đời sống người dân. Do vậy, nên lưu ý xây dựng chính sách phát triển thành phố thông minh dài hạn, toàn diện và hỗ trợ triển khai thực hiện.

Nói về thành phố thông minh, ông Ted Kim, CEO của KIMC Group nhắc lại câu chuyện của Trung Quốc những năm 1980. Thời điểm đó, Trung Quốc có tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn mức trung bình của thế giới, chỉ với 20,1%, nhưng đến năm 2018, tốc độ đô thị hóa của nước này tăng gần gấp 3 lần, lên 59,6%. Mỗi năm, chính phủ Trung Quốc hỗ trợ dịch chuyển 10-14 triệu người từ khu vực nông thôn và ngoại thành sang sinh sống tại các khu vực trung tâm. Còn với Hàn Quốc, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90% và đang đẩy mạnh xây dựng các thành phố thông minh trên phạm vi toàn quốc.

Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2018, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt khoảng 35%, thấp hơn mức trung bình thế giới (54%) và thậm chí là thấp hơn mức trung bình của ASEAN (46%). Thời gian tới, gần 1% người dân Việt Nam sẽ chuyển sang sinh sống tại khu vực thành phố. Tốc độ đô thị hóa cao có thể gây ra những tác dụng không mong muốn, nhưng đây là xu hướng tất yếu ở Việt Nam.

Từ những thực tiễn đó, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển thành phố thông minh. Việt Nam đủ thông minh để sàng lọc, học hỏi những kinh nghiệm tốt và loại bỏ những bất cập từ thực tiễn phát triển thành phố thông minh ở Hàn Quốc và Trung Quốc.

 Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển thành phố thông minh. Ảnh minh họa

Ông Ted Kim cho rằng, nếu không có sự chỉ đạo mạnh mẽ của chính quyền Trung ương, bất kỳ dự án thành phố thông minh nào cũng không thể triển khai được, bởi sự phát triển của thành phố thông minh cần huy động hầu hết các nguồn lực và đầu tư mạnh mẽ, nhất là đề ra chính sách và quy định cụ thể, phát triển công nghệ và huy động sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân

 

Nói cách khác, phát triển thành phố thông minh trên phạm vi toàn quốc đồng nghĩa sẽ chạm tới “mọi ngõ ngách” đời sống người dân. Do vậy, Chính phủ Việt Nam nên lưu ý xây dựng chính sách phát triển thành phố thông minh dài hạn, toàn diện và hỗ trợ triển khai thực hiện, đồng thời có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống giám sát thường xuyên để tiếp nhập phản hồi chính sách liên quan đến phát triển thành phố thông minh. Bất kỳ thành phố thông minh nào cũng cần phát triển hạ tầng, đặc biệt hệ thống giao thông công cộng phù hợp với tình hình của riêng mình. Chẳng chính phủ nào có thể đảm bảo ngân sách cho toàn bộ các dự án thành phố thông minh. Do vậy, Chính phủ Việt Nam nên đề ra các ưu đãi và chính sách phù hợp theo hình thức BOT để huy động sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân hoặc nước ngoài.

Vị chuyên gia cũng nói thêm, với tư cách là cổ đông số 1 tham gia thành lập Campus K - mô hình chia sẻ không gian làm việc có trụ sở tại Mỹ Đình (Hà Nội) vào tháng 11/2018, KIMC đang hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và startup của Hàn Quốc “định cư” và phát triển tốt tại thị trường Việt Nam.

 Thảo Nguyên