Ứng dụng công nghệ để giải các bài toán Việt Nam

00:00 12/10/2020

Việt Nam sẽ tuyên bố phát triển doanh nghiệp công nghệ theo hướng sẽ ứng dụng công nghệ của mình để giải các bài toán Việt Nam.

Ảnh minh họa

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đề xuất tổ chức diễn đàn về “Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam” và Thủ tướng đã đồng ý giao cho Bộ TT&TT đại diện cho Việt Nam đứng ra tổ chức diễn đàn này.  Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 2/2019 của Bộ mới được tổ chức.

Bộ TT&TT cũng xác định rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm tháng 3/2019 là trình Chính phủ dự thảo Đề án thành lập Cục Công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông (Cục Công nghiệp ICT).

Là lĩnh vực mới và quan trọng của Bộ TT&TT, Công nghiệp ICT bao gồm công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp nội dung số, công nghiệp về dịch vụ CNTT, công nghiệp an ninh mạng, và đặc biệt mới là công nghiệp 4.0.

Về công nghiệp ICT, Bộ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tổ chức diễn đàn về “Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam”. Bởi vậy, muốn phát triển công nghệ thì phải phát triển doanh nghiệp công nghệ, trong các doanh nghiệp công nghệ thì doanh nghiệp công nghệ ICT là chủ đạo, các chuyên đề được bàn thảo tại diễn đàn này phải tường minh, rõ ràng, cụ thể.

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tuyên bố phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, trong đó phát triển doanh nghiệp công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ để giải các bài toán Việt Nam. Bên cạnh đó, để phát triển công nghiệp ICT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý nên chọn một số tỉnh có điều kiện để làm thí điểm trước, ủng hộ việc phát triển doanh nghiệp công nghệ theo hướng ứng dụng nhằm giải quyết bài toán của tỉnh…

Hiện nay, trong lĩnh vực ICT ở Việt Nam có khoảng gần 50.000 doanh nghiệp hiện đang hoạt động với doanh thu cỡ khoảng 100 tỷ USD. Mục tiêu sắp tới của Bộ TT&TT là muốn có khoảng 100.000 doanh nghiệp và thay vì lắp ráp, gia công thì chuyển hướng mới với những doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm Việt Nam, giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó đi ra nước ngoài.

Hiện một số doanh nghiệp như Viettel, VinGroup, VNPT, Bkav… đã tạo ra nhiều sản phẩm rất ấn tượng, thậm chí không nhiều quốc gia trên thế giới có thể làm được và nuôi khát vọng đưa sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên toàn cầu.

Trước đó, trong phát biểu định hướng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, Bộ TT&TT của chúng ta là một bộ về công nghệ, công nghiệp và dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và CNTT, hay còn gọi là ICT. Sứ mạng của nó là đưa ICT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. ICT là nền tảng của kinh tế số, xã hội số, CMCN 4.0.

“Khởi nghiệp công nghệ, phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, làm chủ thiết kế, tích hợp và công nghệ lõi. Dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu. Công nghệ sinh ra là để giải quyết vấn đề, ở đâu có vấn đề là ở đó có công nghệ, có giải pháp. Vấn đề đang có ở mọi nơi, có thể là ngay chính trong công việc hàng ngày của mỗi chúng ta, và mỗi chúng ta có thể khởi nghiệp công nghệ để giải quyết chính bài toán của mình. Cuộc cách mạng toàn dân khởi nghiệp công nghệ sẽ giúp Việt Nam hóa Rồng, hóa Hổ. Doanh nghiệp công nghệ thì chủ yếu là trong lĩnh vực ICT. Bộ TT&TT phải đóng vai trò dẫn dắt trong cuộc cách mạng này” - Bộ trưởng khẳng định.

Cũng trong phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành TT&TT, nói về lĩnh vực Công nghiệp ICT, Bộ trưởng đã nhấn mạnh vào Công nghiệp điện tử viễn thông, Công nghiệp nội dung số và Công nghiệp 4.0.