Tỉ phú Na Uy: Từ khai thác dầu đến siêu du thuyền nghiên cứu đại dương

00:00 12/10/2020

Kjell Inge Rokke tích lũy được khối tài sản trị giá 1,7 tỉ USD bằng cách khai thác dầu và đánh bắt cá từ đại dương. Giờ đây, với siêu du thuyền lớn nhất thế giới, ông muốn làm sạch biển. Đây là “sự mâu thuẫn” lớn nhất trên mặt nước.

Tỉ phú Na Uy: Từ khai thác dầu đến siêu du thuyền nghiên cứu đại dương - ảnh 1

Kjell Inge Rokke đứng trên mũi chiếc siêu du thuyền còn đang được hoàn thiện của mình, Rev, ở Brattvaag, Na Uy: “Dùng cụm từ ‘bù đắp’ nghe cứ như thể tôi làm điều sai trái. Không phải vậy."

Ngoài khơi bờ biển Brattvaag, Na Uy, cách vòng Bắc cực vài trăm km, siêu du thuyền Rev dài 182m hiện ra sừng sững trên Bắc Đại Tây Dương. Vỏ của con tàu có màu đen mờ, chưa được đánh bóng – sắc màu tối và nhám khiến chiếc du thuyền trông giống như một xác tàu cũ kỹ được trục vớt lên.

Chủ sở hữu của du thuyền, tỉ phú người Na Uy Kjell Inge Rokke, cho biết: “Mỗi năm, tôi dành ra hai tháng cho con tàu.” Rokke cúi xuống để kiểm tra bản thiết kế. Mỗi chi tiết của siêu du thuyền này đều cần ông phải phê duyệt: tàu ngầm, sân đáp trực thăng, ba bể bơi và các bồn tắm nước nóng.

Nhưng chiếc du thuyền này không chỉ đơn giản là thú vui xa hoa của nhà tỉ phú. Trên tàu còn có tám phòng thí nghiệm và một tàu ngầm điều khiển từ xa, có thể lặn xuống độ sâu 5.791m. Rev là một “sự mâu thuẫn” lênh đênh trên mặt nước.

Con tàu này là siêu du thuyền lớn nhất thế giới – đỉnh cao của thú vui xa hoa – với chi phí khoảng 350 triệu USD. Không những thế, Rokke còn muốn du thuyền này mang một sứ mệnh khác. Ông nhấn mạnh rằng, Rev chính là một tàu nghiên cứu. Dự tính của ông rất đơn giản.

Rokke, 61 tuổi, sẽ cho các nhà khoa học sử dụng du thuyền miễn phí để vẽ sơ đồ các bãi rác trên đại dương, đánh giá nguồn cá và kiểm tra hàm lượng axit trong nước. Khi họ không sử dụng tàu, ông sẽ tự hưởng dụng du thuyền cho thỏa thích, hoặc cho các nhân vật giàu có khác thuê du thuyền và quyên tặng số tiền thu được cho các dự án bảo tồn.

Rokke, cũng giống như du thuyền, là một “sự mâu thuẫn.” Ông tích lũy khối tài sản trị giá 1,7 tỉ USD nhờ khai thác đại dương, từ việc khoan dầu xa bờ cho đến vận chuyển thương mại. Ông thừa nhận: “Tôi cũng là người góp phần tạo ra vấn nạn.”

Giờ đây, ông muốn làm sạch biển cả. Nhưng tâm trạng áy náy đó chưa đủ để khiến ông thoái vốn khỏi danh mục đầu tư của mình trong các công ty đang gây ô nhiễm. “Chúng tôi không cần bất kỳ sự công nhận nào,” Rokke nói. “Chúng tôi chỉ thấy thỏa mãn khi được trở thành một phần của giải pháp.”

Rokke lớn lên ở Molde, Na Uy, trong một gia đình có mức sống tiết kiệm. Cha ông là thợ đóng tủ; mẹ ông là kế toán và bán máy giặt, máy sấy để kiếm thêm tiền. Mắc chứng khó đọc nên Rokke bỏ học từ năm lớp chín. Ông kể lại: “Giáo viên nói với tôi ngay trước mặt các bạn, rằng ‘Khi nào em tự lấy được giấy phép lái xe thì mới có thể xem là thành công.’”

Rokke làm việc trên tàu đánh cá Na Uy, đi biển suốt mười tháng trong năm. Vào năm 1980, khi 21 tuổi, ông chuyển đến Seattle, tiếp tục làm việc trên tàu đánh cá. Sau mùa đánh bắt đầu tiên, ông gặp một biến cố buộc ông suy nghĩ lại về cuộc đời và nhận ra: “Tôi chẳng có kế hoạch gì cho tương lai cả.”

Vì vậy, ông lập danh sách những khát vọng của mình: “Tôi muốn độc lập – sống cuộc đời của chính mình – và tôi nghĩ rằng mình sẽ đạt được điều đó bằng cách làm giàu. Tôi đã sai lầm trầm trọng.” Bước đầu tiên: tích cực tiết kiệm tiền. “Khi bạn bè của tôi đến Mexico hoặc Hawaii thì tôi ở nhà làm dụng cụ câu cá,” ông kể.

Tỉ phú Na Uy: Từ khai thác dầu đến siêu du thuyền nghiên cứu đại dương - ảnh 2

Công nhân nhà máy đóng tàu gắn chân vịt khổng lồ vào đuôi tàu Rev. Quá trình hoàn thiện tàu bị trì hoãn do sự bùng phát dịch Covid-19.

Đến năm 1982, ông đã kiếm đủ 75.000 USD để trả trước khi mua chiếc thuyền của riêng mình, một tàu đánh cá dài khoảng 21m. Hai năm sau, chiếc thuyền đó bốc cháy. Ông mua chiếc thuyền thứ hai. Chiếc này mắc cạn và bị chìm. “Tôi đã phải thương lượng với mọi nhà cung cấp của mình,” Rokke kể.

Quá trình đó kéo dài hơn bảy năm. Sự kiên trì đã được đền đáp. Các ngân hàng tiếp tục cho Rokke vay tiền, và ông có thể bắt đầu lại. Dần dần, ông sở hữu được một đội tàu nhỏ, và đến năm 1987 đã phát triển thành công ty thực sự, American Seafoods, chuyên đánh bắt cá minh thái (pollock) ngoài khơi Alaska.

Được hỗ trợ tài chính, một phần nhờ vào các khoản trợ cấp từ chính phủ Na Uy, đội thuyền của ông đã đánh bắt được số lượng cá khổng lồ. Có thời điểm, theo Rokke ước tính, họ đánh bắt được 600-800 ngàn con cá minh thái mỗi ngày, mang lại doanh thu hằng năm hơn 18 triệu USD (hiện nay khoảng 45 triệu USD). Những con cá có chất lượng tốt nhất được róc xương, lấy phi lê và đem bán. Phần còn lại được làm thành bột cá và dầu cá.

Nhà sinh thái học Kevin M. Bailey viết trong cuốn sách Billion-Dollar Fish của mình: “Cuối cùng, công ty của Rokke kiểm soát 40% vụ thu hoạch cá minh thái của Mỹ.” Nhưng khi American Seafoods mở rộng trên toàn cầu, Bailey cho biết, “công ty này có liên quan đến các doanh nghiệp từ Nga đến Argentina bị buộc tội khai thác quá mức.”

Năm 1990, Rokke hướng mối quan tâm của mình trở lại Na Uy khi đất nước này lâm vào khủng hoảng kinh tế. “Rất ít người có nguồn tiền dư dả,” ông kể. “Tôi có tiền... Vì vậy, tôi đã mua nhiều hết mức có thể.”

Trong số các vụ mua lại của ông, có một công ty quần áo, một chuỗi cửa hàng bán đồ thể thao và một lượng lớn bất động sản thương mại. Knut Sogner, giáo sư lịch sử kinh tế tại trường Kinh doanh BI Na Uy nói: “Ông ấy bất ngờ xuất hiện.”

Năm 1996, Rokke đã giành được quyền kiểm soát đối với Aker, một trong những tập đoàn lớn nhất của Na Uy, chuyên đóng tàu và cung cấp dịch vụ giàn khoan xa bờ. (Hiện tại, công ty đại chúng của Rokke được đặt tên là Aker; tổng danh mục đầu tư của ông mang lại doanh thu 9,4 tỉ đô la Mỹ hằng năm.)

Rồi ông trở nên sai trái. Năm 2002, Rokke gặp khó khăn khi xin giấy phép vận hành du thuyền Celina Bella dài 17m của mình. Ông đã xem thường luật pháp, và hối lộ cho các quan chức Thụy Điển 10.000 USD để có được giấy phép. “Tôi muốn lấy được giấy phép bằng cách nhẹ nhàng nhất,” ông giải thích, và tuyên bố rằng mình không biết đó là sự dàn xếp bất hợp pháp.

Các công tố viên đã phát hiện ra khoản hối lộ, và Rokke bị kết án 120 ngày giam. Ông ở tù 23 ngày. Khi ra tù, Rokke tiếp tục đầu tư vào năng lượng, ngành chiếm khoảng 1/5 nền kinh tế Na Uy. Ông lập công ty dầu xa bờ, Aker Drilling, vào năm 2005 và mua Marathon Oil Norway với giá 2,7 tỉ USD vào năm 2014.

Nhưng rồi ông suy nghĩ về di sản mình để lại. “Tôi chưa đầu tư vào bất kỳ cơ sở hạ tầng nào, tôi chưa xây dựng con đường nào,” ông nhớ lại. “Về cơ bản, tôi chỉ là người nhận.” Vì thế, năm 2017, ông thành lập Rev Ocean, tổ chức phi lợi nhuận giám sát chiếc siêu du thuyền Rev.

Tỉ phú Na Uy: Từ khai thác dầu đến siêu du thuyền nghiên cứu đại dương - ảnh 3

Sau khi hoàn thành, du thuyền của Rokke sẽ là chiếc du thuyền lớn nhất thế giới. Rất tiếc phải nói cho tổng thống Sheikh Khalifa của U.A.E biết rằng, du thuyền Azzam 180m của ông ấy không còn là chiếc du thuyền lớn nhất thế giới nữa.

Ông mời Nina Jensen, lúc đó là người đứng đầu quỹ Động vật hoang dã thế giới Na Uy, quản lý tổ chức này. Nhà hoạt động môi trường này không hào hứng với ý tưởng của ông. “Kjell Inge gọi và hỏi tôi có muốn cùng làm việc trong dự án với ông ấy không,” Jensen kể. “Tôi đã nói ‘không’ ngay lập tức.”

Tuy nhiên, là người đã dành nhiều năm để vực dậy công ty của mình sau những tai nạn như hỏa hoạn và chìm tàu, ông không dễ dàng bỏ cuộc. Sau cùng, Jensen đã bị thuyết phục. Hiện giờ, bà là người ủng hộ liên minh bất thường của họ: “Nếu một nhà sinh vật học và nhà bảo tồn có thể hợp tác với một nhà tư bản công nghiệp, thì đó chẳng phải là một phép mầu hay sao?"

Siêu du thuyền này là dự án đầu tiên của Rev Ocean. Ngoài ra họ còn nỗ lực giảm chất thải nhựa ở Ghana và có kế hoạch tạo ra phần mềm tập trung các dữ liệu về đại dương. Đội ngũ của Jensen làm việc tại tầng thứ ba trong trụ sở công ty của Rokke ở thành phố Oslo, cùng tòa nhà với bộ phận về năng lượng của Aker.

Đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên làm nổi bật sự đối lập rõ ràng: Trong khi Rev Ocean tìm cách làm sạch biển, Aker lại tiếp tục gây ô nhiễm. Sự đối lập đó dường như không làm Rokke thấy phiền hà. “Nếu bạn muốn trở thành một người giải quyết vấn đề, thì về bản chất, bạn là một người lạc quan,” ông nói. Các nhà phê bình ư? “Họ không phải là một phần của giải pháp.”

Noah Kirsch - Ảnh: Knut Egil Wang