Nhiều ngân hàng cùng rao bán bất động sản để xử lý nợ xấu

00:00 12/10/2020

Các ngân hàng đang chạy đua để giảm tỉ lệ nợ xấu trong tháng cuối cùng của năm 2018 tuy nhiên với những tài sản khủng rất khó xử lý.

Công ty cổ phần bán đấu giá Lam Sơn vừa công bố hạ giá lần thứ 7 khoản nợ xấu của Thuận Thảo Nam Sài Gòn và nhóm 95 khách hàng xuống mức 761,45 tỉ đồng. So với mức giá hồi tháng 11, giá khởi điểm khoản nợ này giảm gần 10%, tương ứng 82,3 tỉ đồng. Còn nếu so với mức giá khởi điểm trong đợt đấu giá đầu tiên, khoản nợ này đã giảm hơn 36%, từ mức 1.200 tỉ đồng xuống 761,4 tỉ đồng.

Khoản nợ hiện là tài sản thuộc sở hữu của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Tổng dư nợ tại thời điểm ngày 30-6 là 2.378 tỉ đồng, được đảm bảo bằng trụ sở của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn là khu đất có diện tích 275m2 nằm trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM). Ngoài ra, còn 2 khu đất tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) và 5,2 triệu cổ phiếu GTT của Công ty CP Thuận Thảo thuộc sở hữu của bà Võ Thị Thanh - chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuận Thảo (Phú Yên).


Ảnh: Tuổi trẻ

Nhiều ngân hàng khác cũng liên tục thông báo thanh lý hàng loạt tài sản khủng. Sacombank đang rao bán bất động sản tại số 61 và 63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1 với tổng diện tích lên đến 817m2, với giá khởi điểm là 689,35 tỉ đồng. Nơi này cũng đang rao bán bất động sản rộng 6.382m2 tại Q.Bình Thạnh với giá 447,45 tỉ đồng.

Agribank cũng vừa thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng tại Agribank chi nhánh Bình Tân. Trong đó dư nợ gốc là hơn 352 tỉ và nợ lãi là hơn 356 tỉ đồng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh có diện tích 6952,2m2 tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh và là toàn bộ giá trị xây dựng của công trình cao ốc căn hộ Hạnh Phúc được xây dựng cũng tại xã Tân Kiên.

Gần đây Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục có văn bản đốc thúc các ngân hàng xử lý nợ xấu. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện nợ xấu toàn ngành ngân hàng còn khoảng 6,76%, giảm so với mức 10,08% báo cáo Quốc hội trước đây. Song con số này hiện tại vẫn còn ở mức cao, đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi phải có những cơ chế chính sách để xử lý hiệu quả hơn.

Tại văn bản ban hành mới đây, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải rà soát, cập nhật kế hoạch xử lý nợ xấu xác định theo nghị quyết 42 chi tiết từng năm, triển khai các phương án, giải pháp xử lý nợ xấu đảm bảo kết quả xử lý nợ xấu theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra.

Ngoài ra các ngân hàng cũng phải đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu được xác định theo nghị quyết 42 nhằm nhận diện đầy đủ thực trạng nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ xấu lớn, tài sản đảm bảo cho các khoản vay nợ này, khả năng thu hồi, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ xấu. Trên cơ sở đó, áp dụng toàn diện các giải pháp xử lý nợ xấu theo nghị quyết 42 nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu.

A.Hồng