Hiểm họa từ thành công

00:00 12/10/2020

Dường như là không đủ, nếu mỗi cá nhân chỉ được thụ hưởng giáo dục qua lăng kính mầu hồng, mà bỏ qua nhận biết về những hiểm họa nảy sinh trong chính đời sống thường nhật, và sự phòng tránh.

lang-kinh

Hình minh họa

Hồi còn quá trẻ, đọc một cuốn sách, có câu dạy rằng: “Người vui với bạn thực sự khi bạn thành công thì người đó mới chính là bạn của bạn”, tôi dường như chưa thể thẩm thấu hết! Trưởng thành một chút, các bậc cha anh đã rút ruột tâm sự: “Mỗi một chặng đường đời, con người càng thành công, thì càng cô đơn và càng lắm kẻ ghen ghét!” Nhưng khôn dại thật khó lường, vì thế mà những người tử tế chỉ biết bảo nhau, sống cho hết mình, tránh làm điều xấu, còn kết cục thế nào là việc của tạo hóa! Nhân loại đã để lại biết bao  điều răn dạy tốt đẹp. Nhưng oái oăm thay, những thứ đó chỉ thấm vào những người tử tế, thậm chí đâu đó lại biến những người tốt, hiền lành cầu toàn quá, thành những “ông bụt”, còn kẻ xấu thì hình như những lời tốt đẹp, đến với họ vẫn chỉ như “Nước đổ đầu vịt”! Và như vậy thì trên đời này, còn một điều đáng học hơn nữa, đó là cái nguyên tắc làm giảm thiểu sự xâm hại của những cái tai ương đến với bản thân, từ chính những thành công trong đời của bạn.

Lòng tham và lòng đố  kỵ là những thuộc tính ẩn chứa trong mỗi con người, tất nhiên sự phát tác thái quá đến đâu, là tùy thuộc vào môi trường xã hội và nền tảng giáo dục mà mỗi cá nhân được thụ hưởng. Hơn nữa cuộc sống vốn luôn nghiệt ngã, chẳng hạn mỗi một công việc khó, mỗi một kỳ thi tuyển nghiêm ngặt, số người vượt qua được thường ít hơn nhiều so với những người thất bại! Cũng như vậy, đôi khi vận may mỉm cười với bạn, thì cũng là lúc những điều không may ập xuống đầu biết bao người khác! Vì thế mà sự phát tác của lòng đố kỵ có thể diễn ra ở khắp nơi, thậm chí còn bất ngờ. Bởi vậy, ngay cả các bậc đế vương công đức bao trùm-đánh bại mọi đạo quân xâm lược, cũng vẫn phải nghi ngại những cái đại họa từ lòng dạ tiểu nhân! Biết bao tài năng bị thui chột hoặc bị chết yểu, bởi mưu hại của những kẻ mang lòng đố kỵ!

Bởi tính xấu trong mỗi cá thể, luôn có nguy cơ trỗi dậy, nên ai đó đểnh đoảng sơ hở trong việc bảo quản tài sản, đến mức kích thích lòng đố kỵ, hoặc như tạo điều kiện để người khác dễ dàng chiếm đoạt, thì đó cũng là điều đáng trách! Tệ hại hơn, nếu bạn lại làm một cái việc “Gửi trứng cho Ác”, thì bạn không chỉ có hại “trứng”, mà còn làm cho “Ác” càng đắc tội thêm, tức là  bạn đã làm gia tăng tội ác! Nhớ rằng mọi cái tốt đều có giới hạn, nên bạn chớ đẩy người tốt vào hoàn cảnh nghiệt ngã, như cái cảnh anh chàng trong câu chuyện “Truyện anh chàng hiếu kỳ khờ dại” trong tiểu thuyết nổi tiếng “The Ingenious Gentleman Don Quixote of La Mancha” của nhà văn Tây Ban Nha  Miguel de Cervantes Saavedra (1547-1616), đã đầy người vợ lý tưởng và người bạn lý tưởng của anh ta, vào hoàn cảnh đắc tội và phản bội lại chính anh ta!

Bạn có một người yêu, hay một người bạn đời lý tưởng, thì bạn có cần phải mang khoe, như muốn bàn dân thiên hạ phải chứng kiến, phải thừa nhận hay không? Rồi nếu may mắn bạn có một đứa con đẹp đẽ thông minh, thì bạn có nên biến nó thành một loại “hàng mẫu” trưng bày để người người phải chiêm ngưỡng hay không? Tôi tin rằng nếu bạn là người thương con thực sự, bạn sẽ không bao giờ làm như vậy! Bạn luôn cần nhớ rằng “Niềm vui được chia sẻ thì cái vui được nhân lên”,  không phải bao giờ cũng đúng. Và thật tội nghiệp thay cho những cháu vẫn còn thơ dại, đã bị “ném đá” khi truyền thông đăng tải quá nhiều về khả năng vượt trội của bé, mà lẽ ra cháu cần phải được âm thầm chăm sóc chu đáo, hơn là để cháu phải xuất hiện nhiều trước công chúng, âu cũng là do người ta thương quý cháu chưa hết nhẽ! Có lẽ trong những trường hợp như thế này, thì lời nhắn gửi sâu xa của tiền nhân “Trời cho ta được đến đâu ta biết đến đó”, sẽ là một liều thuốc giải hiệu nghiệm!

Dù cho bạn có niềm tin rằng, con người được định mệnh bởi tạo hóa, hay “Trời hại mới chết chứ người không hại được người”, thì cũng không nên làm kích nổ những trái phá, từ lòng đố kỵ, bởi những tiếng reo vui nơi thành công của bạn! Nhất là bạn như gửi thông điệp “Ngồi mát vẫn được ăn bát vàng”, hoặc giả say sưa kể về chiến công của mình, bên những người bị thua thiệt, hay sẵn lòng thù hận trong cuộc sống(!) Dường như, cuộc sống cũng như tạo hóa, luôn để lại những bất công không thể tránh khỏi. Và mặc dù sự thiệt thòi của ai đó, không phải có nguyên nhân từ bạn, nhưng do “Giận cá chém thớt”, mà họ trút hận lên đầu bạn, nếu như bạn đã tạo ra cái cớ, làm cho cơn thịnh lộ ẩn chứa trong họ trỗi dậy! Rồi thử nghĩ xem, những người đố kỵ với thành công của bạn và dẫn đến làm hại bạn là ai, nếu không phải là những người quen biết bạn!? Như vậy, bạn có nên quá hào phóng kết giao rộng rãi với nhiều người, mà bạn không có hiểu biết cần thiết về họ hay không?

“Chim quyên không hót được tiếng sáo” vốn là một lẽ ở đời. Một người có tài năng, hay có những thành công vượt trội, thường có cách nghĩ và phong thái khác với số đống, chưa kể họ còn có những chính kiến, sức cuốn hút khác biệt! Chính điều này đã làm nên ưu thế và bản lĩnh của họ trong giao tiếp, nhưng cũng vì thế mà sẽ gây nguy hiểm cho họ, bởi sự xuất hiện của họ, đôi khi đã làm lu mờ các nhân vật cùng xuất hiện khác! Đó chính là một trong những nguyên nhân, họ phải chịu nhiều sự đố kỵ của người đời, chưa kể mà ở những nơi văn hóa cào bằng ngự trị! Vì thế hơn ai hết, những người này càng cần phải biết sống có khuôn khổ và quy tắc, thậm chí cần thiết phải chấp nhận cả sự cô đơn, nếu không muốn phải hứng chịu những tai họa ập đến! Và luôn nhớ lời nhắc nhở: “Có tài mà cậy chi tài / Chữ tài liền với chữ tai một vần” , mà cụ Nguyễn Du đã nhắn gửi trong Truyện Kiều bất hủ!

Sau cùng nếu bạn có một khả năng gì đó vượt trội hơn người, thì hãy coi đó như một món quà được tạo hóa ban tặng, gửi trao, mà bạn phải biết quý trọng, và phải có trách nhiệm gìn giữ bảo quản, thầm lặng cùng với những khổ công rèn giũa, để trả lại cho đời những sản phẩm quý giá, sản sinh từ món quà hậu hĩnh mà bạn được ban tặng đó! Nếu hành xử được như thế, thì chắc bạn sẽ được an thân, an toàn, làm cái bổn phận mà tạo hóa gửi gắm nơi bạn! Rằng đây không phải là một lời khuyên, bời người viết không dám, hay e không đủ tự tin về tư cách để khuyên bảo ai cả, mà chỉ là một ao ước, một ao ước giá được như thế, chắc cái  nạn nhân tài bị thui chột hay bị chết yểu, sẽ được giảm thiểu! “Hoa  thường  hay  héo  cỏ  thường  tươi“-Nguyễn Trãi.

Đất nước đang rất cần những nhân tài, những khả năng vượt trội, đi tiên phong, dẫn dắt công chúng. Nhưng rõ ràng những cuộc truy hoan quá đà, những niềm vui không kiểm soát, những sự sẻ chia không giới hạn, trước mỗi thành công, không chỉ làm tiêu hao sức lực, mà còn ẩn chứa những hiểm họa khôn lường, cho những chủ nhân của những thành công đó! Cho dù có chính sách hay đến mấy,  trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ nhân tài, thì cũng không thể thay thế cho việc biết tự bảo vệ, tự nuôi dưỡng của những cá nhân, nhân tài đó, nhất là trong thời đại cạnh tranh khốc liệt, và quá ư nhiều bức xúc này!

Tác giả: Dương Quốc Việt