Cơ cấu huy động vốn được cải thiện

00:00 12/10/2020

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa trình Chính phủ báo cáo về tình hình vay và sử dụng các nguồn vốn của Chính phủ. Theo đó, đến cuối năm 2017, dư nợ công của Việt Nam bằng 61,37% GDP và nợ Chính phủ bằng 51,8% GDP, vốn vay và sử dụng đáp ứng mục tiêu đề ra. Bộ KH&ĐT cho rằng, xây dựng kịch bản nợ công cần bám sát các kịch bản tăng trưởng.

Quy mô vay nước ngoài giảm

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2011 - 2017, Chính phủ Việt Nam tiếp tục huy động từ các nguồn vay trong nước, chủ yếu là trái phiếu Chính phủ (TPCP), ngoài ra, còn có các nguồn huy động khác như vay nước ngoài, chủ yếu là vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài từ các nhà tài trợ. Quy mô vay trong nước của Chính phủ tăng nhanh, từ 235 nghìn tỷ đồng năm 2011 lên 342 nghìn tỷ đồng năm 2017, trong khi quy mô vay nước ngoài có xu hướng giảm, cơ cấu vay thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng ODA và tăng tỷ trọng vốn vay ưu đãi.

Vốn vay được huy động hiệu quả từ nhiều nguồn khác nhau

Từ năm 2015, vay TPCP đã được điều chỉnh theo hướng kéo dài kỳ hạn. Nhờ đó, kỳ hạn phát hành TPCP trung bình tăng từ 3,9 năm (năm 2011) lên 12,74 năm (năm 2017); lãi suất bình quân TPCP đã giảm từ 12,01%/năm (năm 2011) xuống 5,98%/năm (năm 2017). Việc kéo dài kỳ hạn và giảm lãi suất đã góp phần giảm các rủi ro về tái cấp vốn và rủi ro lãi suất đối với danh mục nợ Chính phủ.

Về tổng vốn vay nước ngoài của Chính phủ, trong giai đoạn 2016 - 2017 đạt 9.198 triệu USD, trong đó, vốn vay là 8.981 triệu USD. Việt Nam cũng đã thu hút được hết số vốn ưu đãi tín dụng (IDA) của Ngân hàng Thế giới phân bổ cho trước khi tốt nghiệp nguồn vốn này vào ngày 1/7/2017.

Giai đoạn 2016 - 2017, để kiểm soát tốc độ tăng các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh, Bộ Tài chính đã triển khai một số biện pháp theo hướng siết chặt việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Nhờ đó, tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh Chính phủ đã giảm từ 27,5% năm 2011 xuống 1,4% năm 2016, góp phần bảo đảm an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia.

Bám sát các kịch bản phát triển kinh tế

Từ thực tế công tác huy động và giải ngân các khoản vốn vay nói trên, Bộ KH&ĐT cho rằng, việc xây dựng kịch bản nợ công trong tương lai cần bám sát các kịch bản phát triển kinh tế. Cụ thể, giai đoạn 2018 - 2020, Bộ này dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể diễn ra theo 2 kịch bản: cơ sở và cao. Trong đó, kịch bản cơ sở với nhiều khả năng xảy ra nhất.

Ở kịch bản cơ sở, với giả thiết tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định và duy trì tăng trưởng như những năm gần đây; đầu tư khu vực nhà nước được cải thiện hơn cả về tốc độ và hiệu quả; điều hành chính sách hợp lý, tốc độ tăng đầu tư trung bình của giai đoạn là 7%..., mô hình kinh tế cơ bản vẫn tăng trưởng dựa vào vốn và lao động giá rẻ.

Với kịch bản cao, năng suất của nền kinh tế, hiệu quả đầu tư công được cải thiện; những yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô được giải quyết triệt để..., không những nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng và ổn định cao hơn mà còn có thể duy trì được sự phát triển bền vững, tạo tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo.

Với các kịch bản về tăng trưởng kinh tế và cơ cấu nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn tới như giả thiết trên, dự báo, mức nợ công/GDP theo kịch bản cơ sở năm 2018 sẽ ở mức 63,92%; năm 2019 là 63,46% và năm 2020 là 62,58%.

Hoàng Châu