Big Data giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí

00:00 12/10/2020

Đó là khẳng định của PSG.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khi trao đổi với báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

PSG.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

- Thưa ông, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi gì khi áp dụng Big Data?

Nếu doanh nghiệp biết sử dụng BigData, sẽ có được lượng lớn thông tin về thị trường, khách hàng và sản phẩm một cách chính xác hơn. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể cập nhật được nhiều thông tin hơn so với các phương pháp trước đây.

Các doanh nghiệp luôn muốn biết thị trường hiện nay đang diễn ra như thế nào, nên thường phải tiến hành các khảo sát, điều tra, hoặc dựa trên cảm tính của họ, nhưng cảm nhận này không chính xác. Trong khi việc điều tra, khảo sát lại đòi hỏi chi phí lớn, mất thời gian và quy mô nhỏ.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp biết sử dụng lợi ích của BigData, có thể tạo ra bức tranh tổng quan về thị trường, sản phẩm, khách hàng, qua đó giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định kịp thời và hiệu quả trong kinh doanh.

Ví dụ, một doanh nghiệp muốn tìm vị trí cho một cửa hàng sắp mở, cần tính toán lưu lượng khách hàng theo giờ, theo ngày tháng, theo năm hay sức mua… Nếu doanh nghiệp sử dụng Big Data, sẽ đem lại được kết quả chính xác.

- Theo ông đâu là ranh giới giữa ứng dụng Big Data và lạm dụng dữ liệu cá nhân?

Đúng là nguồn dữ liệu cá nhân nằm trong các cơ quan quản lý, mạng xã hội, hoặc các nhà cung ứng dịch vụ là rất lớn. Vậy các nhà cung ứng có lượng dữ liệu cá nhân có được sử dụng dữ liệu này đưa cho các công ty khác để phân tích, tính toán hay không?

Đây là câu hỏi mang tính pháp lý, đồng thời mang tính đạo đức. Nếu chúng ta chưa có một khuôn khổ pháp lý cho việc khai thác dữ liệu, sẽ rơi vào một trạng thái hỗn loạn về số liệu. Việc sử dụng dữ liệu không có đạo đức, không có nguyên tắc, sẽ vi phạm đời sống riêng tư của cá nhân. Do đó, cần phải có hệ thống lập pháp song hành để kiểm soát hành vi, lượng truy cập vào dữ liệu cá nhân. Việt Nam đang còn thiếu điều này, vì thế với sự phát triển công nghệ, cơ quan hành pháp, cơ quan quản lý cũng phải có sự phát triển thích hợp thì mới có thể quản lý được xã hội; nếu không, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới xã hội và đạo đức.

- Big Data giúp thu thập dữ liệu dễ dàng hơn như thế nào, thưa ông?

Big Data có rất nhiều ứng dụng trong nhiều khía cạnh đời sống. Vì để sản sinh ra dữ liệu quan trọng, con người sẽ xử lý lượng dữ liệu này như thế nào?.

Trong dự án của chúng tôi, muốn tìm hiểu xem mức giá trên toàn quốc thay đổi như thế nào trong phạm vi thời gian hàng ngày, hàng tuần, trước đây phải đi điều tra, đi hỏi Tổng cục thống kê, cơ quan quản lý nhà nước. Điều này đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí khổng lồ cũng như có độ trễ nhất định.

Nếu website thương mại điện tử bán hàng với giá niêm yết gần như tương đương với giá ngoài thị trường, thì có thể sử dụng cách thu thập số liệu trên các trang web đó, và đó là lượng dữ liệu khổng lồ. Với thống kê mức giá đó, các cơ quan quản lý có thể đưa ra chiến lược tiền tệ như thế nào; các cơ quan tài chính, ngân hàng có thể điều chỉnh mức lãi suất ra sao?.

Đối với các ứng dụng về chuỗi sản xuất nông nghiệp, chúng ta sẽ biết được người dân sản xuất như thế nào, lấy nguồn nguyên liệu từ đâu, người tiêu dùng ứng xử ra sao với sản phẩm. Chúng ta đều có thể có được những nhận định, biết được cách xử lý phù hợp.

Hoặc đối với quản lý hành chính công, với việc giao tiếp giữa cán bộ với người dân, hành vi của họ, thái độ của họ như thế nào thì về nguyên tắc có thể số hóa tất cả những hoạt động đó để biết được vấn đề yếu kém ở đâu, đâu là hành vi hiệu quả...