Xã La Bằng (Đại Từ - Thái Nguyên): Tiềm năng du lịch Làng nghề và sinh thái

00:00 12/10/2020

(Nguồn: DNHN 11/k2/2015). Dừng chân nơi ra đời tổ chức Chi bộ Đảng cộng Sản đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước phong cảnh hữu tình, thơ mộng mà hùng vĩ của vùng đất La Bằng (huyện Đại Từ). Con đường nhựa trải dài uốn khúc ven sườn đồi nối đến tận chân núi Tam Đảo, đưa chúng tôi lạc vào một không gian thật đặc biệt…

san-xuat-che-thai-nguyen Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm vườn chè của HTX chè la Bằng 8078: Đồng chí Triệu Văn Đông, Chủ Tịch UBND xã La Bằng Những vạt đồi và núi nhấp nhô bạt ngàn một màu xanh mướt óng ả như trải thảm, đó chính là “thủ phủ” loài cây mang tầm chiến lược về kinh tế mũi nhọn của huyện Đại Từ - Cây chè. Chè với các giống mới cho năng suất cao và hương vị đậm đà như: TRI777, LDT1, Long Vân, Kim Tuyên, Bát Tiên, Keo Am Tích, Hoa Nhật kim, Phúc Thọ… được trồng đa dạng ở đây. Chè Trung Du trồng bằng hạt lấy giống từ những cây chè cổ từ vài chục đến hàng trăm năm tuổi cũng vươn lên tươi tốt, đua chồi búp tua tủa lên nền trời xanh biếc. La Bằng có diện tích canh tác chè gần 240ha/18000ha tổng diện tích trồng chè của cả tỉnh Thái Nguyên. Hàng năm, chè La Bằng đã đóng góp khoảng 2000 tấn chè búp tươi cung ứng ra thị trường. Chè của xã đều được trồng và sản xuất, chế biến theo quy trình VIETGAP đảm bảo sạch, an toàn, chất lượng và được kiểm định chặt chẽ. IMG_8111 Chúng tôi vào thăm một cơ sở sản xuất chè mà thương hiệu đã trở nên rất nổi tiếng ở đây, đó là HTX chè La Bằng. Tiếp chúng tôi là chị Nguyễn Thị Hải, Giám Đốc HTX. Gương mặt tươi tắn, nụ cười đôn hậu, chị nhanh nhảu pha ấm trà “quê” thơm ngát mời khách. Nhìn chén trà sóng sánh như mật ong rừng, vị chát đắng đậm đà, ngọt hậu trên môi như nối gần thêm tình người nơi đây. Chị Hải cho biết: “HTX chè La Bằng hiện có 9 xã viên và 26 hộ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VIETGAP. Do có kỹ thuật nhiều năm trồng, chế biến chè, lại được thiên nhiên ưu đãi nằm trong vùng khí hậu mát mẻ, dồi dào nguồn nước từ núi Tam Đảo chảy xuống, đất đai phì nhiêu từ lớp lá cây rừng mục nát nên chè của HTX luôn đạt được sản lượng khoảng 120 tạ/ha. Mỗi tháng HTX cũng bán ra thị trường từ 3 đến 4 tấn chè búp sạch sao suốt…”; Chị còn tự hào khoe: “Không chỉ ở HTX của tôi, chè La bằng giờ đã có 10 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Các Làng nghề vẫn tiếp tục đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại, tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chế biến chè nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường. Sản phẩm chè La Bằng đã vinh dự đạt giải “Búp chè vàng”, “Văn hóa trà Việt Nam” và các Huy chương về chất lượng chè ngon tại các Festival trà quốc tế…” ong-trieu-van-dong Đồng chí Triệu Văn Đông, Chủ Tịch UBND xã La Bằng      Xã La Bằng nằm ven chân dãy núi Tam Đảo, nơi có điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp. Trên vùng đất khu núi Điệng, đèo Khế hiện vẫn còn tồn tại bãi chè cổ thụ hàng vài chục năm tuổi. Có cây chè đường kính của gốc bằng vòng tay một người ôm, xòe tán tỏa bóng mát rượi cả góc trời. Những cây chè búp đỏ dùng để hãm nước chè tươi uống vị thơm mát, trong lành, ngọt ngon như một đặc sản của núi rừng nơi đây. Cây lúa và các cây trồng dược liệu, rau đặc sản như rau sắng, rau bò khai, các loại củ quả như khoai lang, đậu, đỗ… cũng hợp với thổ nhưỡng, mọc um tùm, xanh tốt .che-duoc-len-ke Chị Nguyễn Thị Hải, Giám Đốc HTX chè La Bằng đang giới thiệu các sản phẩm chè của HTX Với chất đất màu mỡ, nguồn nước tưới tiêu dồi dào, hệ thống thủy lợi đáp ứng cơ bản cho việc trồng trọt, cày cấy, La Bằng có địa thế thuận lợi cho việc canh tác và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hàng nông sản chất lượng. 9 tháng đầu năm 2015, với diện tích trồng lúa 195ha, năng suất bình quân 58,5 tạ/ha, đã cho xã La Bằng sản lượng lúa vụ xuân và vụ mùa khoảng 2200 tấn; trên 1900 tấn chè búp tươi và duy trì đàn gia súc, gia cầm 37000 con. Với diện tích 422ha rừng sản xuất, La Bằng còn có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế đồi rừng và du lịch sinh thái, từ đó kéo theo phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để phục vụ nhu cầu của khách đến tham quan, du lịch. Là một xã đạt chuẩn nông thôn mới 2014, Xã La Bằng có hệ thống giao thông phát triển đồng bộ. Xã đã cứng hóa 14,7km đường giao thông trục xã; 6,1km đường trục xóm; 12,18km đường ngõ xóm; xây dựng kiên cố 13,44km kênh mương. Con suối Tiên Sa với huyền thoại về 4 nàng tiên hóa đá bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo, uốn mình theo trục đường giao thông chính tạo nên một không gian vừa thơ mộng, trữ tình, vừa nguyên sơ, hoang dã. Phong cảnh tự nhiên đẹp mà hùng vĩ, được gắn với những sản vật quê nhà như: Trà búp đặc sản, bánh gio chấm mật, mật ong rừng… La Bằng, nơi có những nghệ nhân gắn bó nhiều đời với nghề trồng chè. Du khách đến đây có thể tiếp xúc với các nghệ nhân, tham quan và trải nghiệm thực tế trong mọi công đoạn trồng, chăm bón, hái, chế biến, thưởng thức trà đặc sản và nghe các làn điệu hát Then, Si, Lượn, Cọi cùng tiếng đàn tính, đàn môi, tiếng khèn của các dân tộc anh em sinh sống tại đây. Đầu tháng 7/2015, Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm, làm việc tại La Bằng và bày tỏ sự vui mừng trước tiềm năng du lịch sinh thái phong phú, cùng những đổi thay mạnh mẽ ở một xã có truyền thống anh hùng. Đồng chí còn mong muốn La Bằng không chỉ phát huy truyền thống của vùng quê cách mạng mà sẽ sớm phấn đấu trở thành xã anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Vì vậy, việc phát triển kinh tế xã hội gắn với truyền thống văn hóa dân tộc, gắn với môi trường sinh thái và phát huy tiềm năng du lịch của địa phương luôn là bước đi đúng đắn, tạo đà cho sự phát triển vượt bậc của La Bằng. Chúng tôi ghé qua nơi cơ sở chăn nuôi cá tầm và được tận mắt chứng kiến những chú cá nước lạnh sinh sống, bơi lội tung tăng như ở môi trường tự nhiên thật vui mắt. Cá tầm chỉ phù hợp với môi trường nước từ 15 đến 25 độ C, vì vậy, xã La Bằng nuôi cá ngay bằng nguồn nước suối dẫn qua mương chảy ra từ sườn núi Tam Đảo. Hệ thống bể nuôi được xây dựng kiên cố, quy mô và hiện đại. Bể phân chia làm nhiều ô để nuôi cá theo từng độ tuổi khác nhau. Bác Giáp Viết Thuận và anh Lý Tự Trọng, những người nuôi cá tầm lâu năm ở đây vừa cho cá ăn, vừa “đảm nhiệm” thêm chức năng của các hướng dẫn viên du lịch. Hai bác cháu hướng dẫn chúng tôi cách chăm sóc cá, đề phòng bệnh tật và cả cách chữa bệnh cho cá… Ngắm nhìn 5000 chú cá giống xinh xinh, 3000 chú cá trưởng thành và 60 cá tầm bố mẹ đang được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo trong làn nước trong vắt tôi hình dung ra con số lợi nhuận từ thương phẩm thật lớn. Những chú cá tầm nuôi từ 8 tháng đến 1 năm là có thể xuất bán. Một số con nuôi lâu năm nặng tới trên 20kg nhìn như chiếc tàu ngầm bơi chìm dưới nước, thỉnh thoảng quẫy đuôi cũng làm ta giật mình... chan-nuoi-ca Cơ sở chăn nuôi cá tầm tại xã La Bằng Nghỉ ngơi ở chân núi Tam Đảo trong không khí trong lành, mát rượi của núi rừng, ngắm nhìn những vạt đồi xanh mướt, nhâm nhi vài tách trà quê thơm lừng và thưởng thức vài món đặc sản nơi đây, ta có cảm giác trời đất như mở ra, hòa quện với lòng người thật sảng khoái, ấm cúng và dễ chịu. La Bằng sẽ đẹp hơn, giàu có hơn, thơ mộng hơn nếu ta làm được những điều như lời đồng chí Triệu Văn Đông, Chủ Tịch UBND xã đã từng chia sẻ: “Với tiềm năng dồi dào về thiên nhiên, con người, cùng những sản vật địa phương mang giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của làng nghề từ bao đời nay, mong rằng các cấp, các ngành, các nhà đầu tư sẽ quan tâm cùng với địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, đưa La Bằng không chỉ đạt 19 tiêu chí của nông thôn mới, mà còn trở thành địa danh du lịch nổi  tiếng của quê hương cách mạng…” Bài và ảnh: Kim Phượng