Công trình ý nghĩa này là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Công ty Nestlé Việt Nam và Viện Khoa học- Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) qua hơn 10 năm (2011-2020) triển khai trực tiếp các hoạt động về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao kỹ thuật về phát triển cà phê bền vững, mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân.
Nằm trên khuôn viên rộng trên 100 ha, được bao quanh bởi vườn cà phê xanh mướt, vườn trải nghiệm cà phê NESCAFÉ WASI (vườn trải nghiệm) gồm 2 tầng, được thiết kế với kiến trúc hiện đại. Tại không gian của tầng 1, người tiêu dùng có thể tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm thực tế các khâu trong quy trình sản xuất ra cà phê chất lượng cao NESCAFÉ từ giai đoạn nuôi cấy mô, ươm trồng, sản xuất cây giống đến giai đoạn hạt cà phê ra trái, thu hoạch và nếm thử chất lượng sản phẩm cà phê đầu ra.
Tầng 2 của vườn trải nghiệm là khu pha chế và thưởng thức cà phê. Đây là một không gian rộng rãi, yên tĩnh dành cho người tiêu dùng để tận hưởng những ly cà phê thơm ngon. Điều đặc biệt đối với không gian này chính là sự đa dạng trong cách pha chế các loại cà phê Robusta, Arabica… thành nhiều thức uống với các hương vị khác nhau, hiện đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa cao nguyên.
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, cho biết: “Với những trải nghiệm du lịch kết hợp thăm quan độc đáo, chúng tôi hy vọng vườn trải nghiệm cà phê sẽ khơi dậy tình yêu hạt cà phê Việt đối với mỗi người Việt Nam. Bên cạnh đó, đến với “Vườn trải nghiệm”, người tiêu dùng cũng sẽ được các cán bộ WASI giới thiệu về hành trình gắn kết với người nông dân trong suốt hơn 10 năm thực hiện dự án NESCAFÉ Plan, một chương trình tạo giá trị chung mà Nestlé đã kiên trì theo đuổi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, đưa hạt cà phê chất lượng của Việt Nam ra khắp thế giới”.
Từ khi triển khai vào năm 2011, dự án NESCAFÉ Plan đã mang đến nhiều cải tiến kỹ thuật và áp dụng công nghệ mới, tạo tác động tích cực đến sự phát triển bền vững cho ngành cà phê Việt Nam: Nâng cao đời sống của người nông dân, tăng cường liên kết chuỗi, gia tăng chất lượng và giá trị cho hạt cà phê Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới.
Dự án đã phân phối trên 46 triệu cây giống kháng bệnh năng suất cao tới người nông dân, tái canh 46.000 ha diện tích cà phê già cỗi tại khu vực Tây Nguyên thông qua hoạt động phân phát cây giống. Hơn 21.000 nông hộ đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C, đồng thời thu nhập của người dân tham gia chương trình cũng tăng trên 30%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xuất khẩu 30% lượng cà phê chế biến sâu. Tuy nhiên, năm 2020 sắp hết, mục tiêu trên không thực hiện được. Theo ông William Mackereth, Giám đốc Chuỗi cung ứng Công ty Nestlé Việt Nam, cho biết: Theo quan sát của cá nhân tôi, hiện có khoảng 200.000 tấn cà phê của Việt Nam tương đương từ 12% đến 15% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam đang được chế biến sâu. Tuy nhiên, phần lớn là gia công nội địa nhưng Chính phủ thường chỉ nói đến xuất khẩu cà phê giá trị gia tăng, và theo tôi khoảng chế biến nội địa cũng đóng góp lớn vào giá trị gia tăng của cà phê Việt Nam.
Riêng đối với hoạt động xuất khẩu cà phê của Nestlé thì năm 2020 là một năm đạt kết quả cực kỳ ấn tượng. Năm nay tăng trưởng của chúng tôi là đạt khoảng 20%, và 100% sản phẩm đó là những sản phẩm cà phê được gia công chế biến sâu. Năm nay, do dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, người dân phải chịu cách ly nên ở trong nhà nhiều hơn và họ đã tăng lượng sử dụng cà phê.
Nếu duy trì được thành tích xuất khẩu ấn tượng như thế này thì trong vòng 2 đến 3 năm nữa chắc chắn Công ty Nestlé sẽ đẩy mạnh đầu tư vào dây chuyền chế biến sâu như Nescafé đang có ở Việt Nam. Đối với việc Chính phủ Việt Nam có đạt được mục tiêu xuất khẩu 30% lượng cà phê chế biến sâu thì đó là tầm nhìn 10 năm nữa, theo ước tính của tôi.
An An