Theo báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), tăng trưởng của khu vực ASEAN+3 (bao gồm 10 nước Đông Nam Á và Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) được dự báo sẽ ở mức 2,0% cho năm 2020 và 5,5% cho năm 2021.
So với báo cáo cập nhật vào tháng 3, dự báo lần này ghi nhận mức giảm 2,2 điểm phần trăm cho năm 2020 (từ mức 4,2%).
Châu Âu và Mỹ dự kiến sẽ đi vào suy thoái do dịch COVID-19 trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc đã phần nào kiểm soát được dịch bệnh. Mặc dù vậy, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ yếu hơn nhiều, đạt ở mức 3,5% vào năm 2020 và có thể dần trở lại mức 6,5% vào năm 2021.
Dự báo tăng trưởng của nhóm ASEAN+3 trong năm 2020 và 2021
Các nước ASEAN đang trải qua nhiều 'đợt sóng' từ đại dịch COVID-19. Điều này đã khiến nhiều chính phủ áp dụng các biện pháp rất nghiêm ngặt, bao gồm cả phong tỏa quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ngoài ra, các nước ASEAN cũng áp dụng các gói kích thích lớn để hỗ trợ nền kinh tế của họ.
Tuy nhiên, AMRO dự báo các nền kinh tế ASEAN sẽ suy yếu mạnh với tăng trưởng trung bình chỉ ở mức 1,1% vào năm 2020, trước khi phục hồi lên 5,2% vào năm 2021.
Trong nhóm các nước ASEAN, Việt Nam hiện là quốc qua được AMRO dự báo tăng trưởng ở mức cao nhất với 4,5%. Theo báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế, Philippines và Myanmar là 2 nước cũng đạt mức dự báo 4,5%. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là quốc gia đứng đầu trong năm 2021, tiếp tục có mức tăng trưởng cao nhất nhóm ASEAN+3 với 7%.
"Trong phiên bản thứ tư, việc chuẩn bị báo cáo này là một nhiệm vụ gần như không thể trong năm nay. Chúng tôi đã điều chỉnh các dự báo tăng trưởng của mình xuống đáng kể trong vòng ba tuần kể từ thời điểm lấy dữ liệu vào ngày 16/3.
Mặc dù các vấn đề và xu hướng được đề cập trong báo cáo vẫn còn nguyên vẹn, AMRO dự đoán rằng đại dịch COVID-19 sẽ trở thành một yếu tố làm nổi bật mối liên hệ giữa các rủi ro tiềm tàng trước đây", theo Tiến sĩ Hoe Ee Khor, Chuyên gia kinh tế trưởng của AMRO.