Vì sao Trung Quốc siết doanh nghiệp công nghệ?

09:30 12/08/2021

Cho đến nay dư luận ở các nước phương Tây vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng cho hiện tượng Trung Quốc mạnh tay kiểm soát chặt chẽ đến mức bóp nghẹt các doanh nghiệp công nghệ, bất kể hàng trăm tỉ đô la bay hơi trên thị trường chứng khoán. Lý giải phổ biến nhất nhưng không đầy đủ là chính phủ nước này mong muốn kiểm soát “dữ liệu lớn”, không để chúng trong tay các doanh nghiệp công nghệ.

 

Vì sao Trung Quốc siết doanh nghiệp công nghệ?
Vì sao Trung Quốc siết doanh nghiệp công nghệ?.

Đầu tiên là chuyện bất ngờ đình hoãn vụ phát hành cổ phiếu ra công chúng để chuẩn bị lên sàn chứng khoán cả Thượng Hải lẫn Hồng Kông của Ant Group, một tập đoàn công nghệ - tài chính với tỉ phú sáng lập là Jack Ma, bất kể khả năng thương vụ này có thể đã đem về cho Trung Quốc hơn 30 tỉ đô la Mỹ tiền đầu tư gián tiếp. Sau đó là hai tập đoàn công nghệ lớn nhất nước này là Alibaba và Tencent lần lượt rơi vào tầm ngắm của giới quản lý, muốn chống lại tình trạng độc quyền của chúng bằng nhiều quy định khắc nghiệt. Mới đây doanh nghiệp vận hành ứng dụng gọi xe Didi Global vừa mới lên sàn chứng khoán New York được vài ngày, thu về 4,4 tỉ đô la, cũng bị điều tra, ứng dụng này bị gỡ, không được nhận khách hàng mới.

Ngay cả lĩnh vực công nghệ giáo dục cũng không thoát được sự kiểm soát gắt gao đó khi Trung Quốc ban hành các quy định mới buộc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dạy thêm trực tuyến chuyển sang hình thức phi lợi nhuận, không được nhận vốn đầu tư nước ngoài... Ngay lập tức giá cổ phiếu ba doanh nghiệp chuyên tổ chức dạy thêm trực tuyến có niêm yết trên thị trường chứng khoán New York là TAL Education, New Orient và Gaotu bay hơi mất hai phần ba giá trị, cổ đông coi như mất trắng 18 tỉ đô la.

Từ lúc xảy ra vụ Ant Group vào tháng 11 năm ngoái đến nay, tình hình bất an bao trùm các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, nhất là những công ty có niêm yết ở nước ngoài. Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China theo dõi 100 doanh nghiệp như thế sụt 19% chỉ trong vòng ba ngày giao dịch; chỉ số cổ phiếu công nghệ sàn Hồng Kông sụt 16%. Ngay ở thị trường chứng khoán trong nước của Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài bán tống bán tháo cổ phiếu công nghệ, rút tiền bỏ đi; dòng tiền chảy ra đã làm đồng Nhân dân tệ chịu sức ép mất giá.

Nhiều người chỉ ra hiện tượng, không chỉ Trung Quốc mà ngay cả Mỹ lẫn châu Âu đều đang siết lại các tập đoàn công nghệ lớn vì không muốn chúng kiểm soát không gian Internet, thu thập dữ liệu người dùng, chi phối hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống.

Tuy nhiên cách làm, quy mô, mức độ của hai bên khác hẳn nhau. Chẳng hạn, Bộ Tư pháp và 11 bang ở Mỹ kiện Google ra tòa vì tội lạm dụng vị thế độc quyền nhưng có thể đến năm 2023 tòa mới đem ra xử. Trong khi đó, sau khi giới quản lý Trung Quốc triệu tập Jack Ma để “chấn chỉnh” thì chỉ trong vòng sáu tháng, ông chủ các tập đoàn khác như Pinduoduo và ByteDance phải tuyên bố rút khỏi “vòng danh lợi” về sống ẩn dật. Tập đoàn Alibaba bị điều tra về chuyện độc quyền thì chỉ bốn tháng sau là có kết luận với mức phạt khổng lồ 2,8 tỉ đô la.

Hệ quả tài chính của hai bên cũng khác nhau: từ đầu năm đến nay giá trị của năm doanh nghiệp công nghệ lớn nhất Trung Quốc bị bay mất tổng cộng 153 tỉ đô la vì các quy định siết lại buộc chúng phải từ bỏ mô hình kinh doanh cũ, các giá trị cũ bị lung lay tận gốc.

Còn tính chung cả khối doanh nghiệp công nghệ, tổng trị giá thị trường mất đi từ tháng 2-2021 lên đến 800 tỉ đô la. Trong khi đó, bất kể các đe dọa kiện tụng, điều tra, điều trần, giá trị của năm công ty công nghệ Mỹ gồm Google, Amazon, Apple, Facebook và Microsoft lại tăng đến 1.500 tỉ đô la!

Thiết nghĩ, lý do đằng sau mong muốn kiểm soát các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc nằm ở hai điểm: không để các nhà đầu tư nước ngoài hưởng lợi trên sự phát triển vượt trội của các doanh nghiệp này, đồng thời trói tay các tỉ phú Trung Quốc mới nổi lên để giảm bớt sự tương phản giàu nghèo quá lớn ở nước này.

Dĩ nhiên lý do bên ngoài cũng như ở Mỹ hay châu Âu: chấm dứt các hành vi độc quyền của doanh nghiệp công nghệ hiện đang gây tổn hại đến nền kinh tế, người tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ và môi trường kinh doanh có cạnh tranh lành mạnh.

Các biện pháp Trung Quốc đang tiến hành sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm cổ phiếu các doanh nghiệp công nghệ, tiến dần tới chỗ các doanh nghiệp này sẽ sạch vốn đầu tư từ bên ngoài. Chẳng hạn sau cơn sóng gió lên sàn New York, Tập đoàn Didi Global tiết lộ kế hoạch hủy niêm yết, trở về làm một công ty tư nhân thuần túy.

Hiện nay có chừng 400 doanh nghiệp Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ, tăng gấp đôi so với năm 2016. Giá trị thị trường của chúng cũng tăng từ dưới 400 tỉ đô la lên 1.700 tỉ đô la Mỹ. Nay số phận của các doanh nghiệp này đang lung lay. Ngày 6-7 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố sẽ siết lại các quy định áp dụng cho doanh nghiệp có niêm yết ở nước ngoài. Đặc biệt giới quản lý Trung Quốc muốn hạn chế việc sử dụng các cấu trúc doanh nghiệp hình thành ở nước ngoài mà các doanh nghiệp niêm yết đang sử dụng nhằm vượt qua rào cản hạn chế tỷ lệ sở hữu của người nước ngoài.

Hầu hết các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc niêm yết ở Mỹ sử dụng hình thức VIE (variable-interest entities), tức đăng ký thành lập ở một thiên đường thuế nào đó như Cayman Islands sau đó tiếp nhận đầu tư nước ngoài một cách thoải mái.

Công ty chính ở Trung Quốc trở thành công ty con của VIE. Trước đây Trung Quốc ngó lơ với hình thức lách luật này, nhưng có vẻ họ muốn chấm dứt cách làm này. Ngoài ra, kiểm soát khu vực doanh nghiệp công nghệ thành công, Trung Quốc sẽ nắm trong tay một biển dữ liệu khổng lồ để có thể triển khai nhiều tham vọng như nhận diện bất kỳ ai trong nháy mắt, đánh giá uy tín tín dụng của người dân, cho điểm ứng xử xã hội với mọi công dân...

Các công nghệ trí tuệ nhân tạo, tự động hóa sản xuất, xe tự hành đều dựa vào dữ liệu lớn như thế. Thế kỷ 21 là thế kỷ công nghệ, ai làm chủ công nghệ sẽ thắng thế.

Đứng trước sự thay đổi đột ngột trong môi trường kinh doanh, nhiều tỉ phú công nghệ Trung Quốc tuyên bố về hưu sớm như Colin Huang, nhà sáng lập nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo, mới 41 tuổi, hay Zhang Yiming, nhà sáng lập ByteDance, công ty mẹ của Tik Tok cũng từ chức khi mới 38 tuổi.

Để ngăn chặn tư bản nước ngoài hưởng lợi trên sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước, người ta dự báo sau công nghệ, giáo dục, Trung Quốc sẽ nhắm tới thị trường video game, xe tự hành có kết nối Internet và ngành chăm sóc sức khỏe trực tuyến. Lý do có thể được đưa ra là doanh nghiệp video game thu thập quá nhiều dữ liệu khách hàng mà toàn là khách hàng nhỏ tuổi, dễ bị nghiện; doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe cũng thế.

Chiến lược của Trung Quốc không phải là không có rủi ro. Thứ nhất doanh nghiệp Trung Quốc từ nay khó lòng kỳ vọng hút vốn đầu tư nước ngoài dễ dàng như trước; đã có hàng loạt doanh nghiệp trì hoãn hay hủy bỏ kế hoạch phát hành cổ phiếu ra thị trường quốc tế. Các tiến bộ mang tính đột phá của khu vực khởi nghiệp công nghệ ở Trung Quốc có một động lực rất lớn từ nguồn vốn này.

Nay việc siết lại doanh nghiệp công nghệ có thể làm thui chột tính năng động sáng tạo từng làm nên các kỳ lân như Tik Tok. Nói gì thì nói, dù Mỹ và Trung Quốc đều muốn chặn đứng tình trạng độc quyền của doanh nghiệp công nghệ, chúng lại đang cạnh tranh nhau rất khốc liệt; môi trường bất an như đang diễn ra cho các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc không thuận lợi chút nào cho sự cạnh tranh này. 

Nguyễn Vũ