TTXVN đưa tin, theo quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 14/8/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng sẽ được giảm về 30% kể từ ngày 1/10/2023.
Như vậy, chỉ còn vài ngày nữa các ngân hàng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 30% thay vì 34% như hiện nay. Trước đó, tỷ lệ này đã giảm từ mức 37% xuống còn 34% từ ngày 1/10/2022.
Việc áp dụng Thông tư 08/2020/TT-NHNN được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng tại Việt Nam kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản, ổn định hoạt động trước những thay đổi trong và ngoài nước đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.
Số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy tính đến tháng 7/2023, hầu hết các ngân hàng đều đáp ứng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn là 34% (áp dụng từ 01/10/2022 đến ngày 30/09/2023).
Theo đó, tỷ lệ này ở mức 24,97% với nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, 33,66% ở các ngân hàng thương mại cổ phần. Xét chung toàn hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 26,14%.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay dư nợ 8 tháng 2023 tăng 3,26% so cuối năm và tăng 5,62% so cùng kỳ; riêng tháng 8/2023 tăng gần 1% (0,92%) so với tháng 7/2023. Trong số đó, tín dụng ngắn hạn tăng 4,92% so với cuối năm 2022; còn tín dụng trung, dài hạn tăng 1,88%. Tín dụng tiếp tục tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ và du lịch với tỷ lệ chiếm khoảng 67% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) số liệu vào cuối năm 2022, hầu hết ngân hàng đều có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới mức 30%, đáp ứng yêu cầu của Thông tư 08 sắp được áp dụng vào đầu tháng 10/2023.
T.H